Đó là nội dung chính của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ - CP của Chính phủ sau khi Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi.
Trước đó, Bộ Tài chính có đưa ra việc điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường - MFN đối với các mặt hàng thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 từ 0% lên 5% do trong nước đã sản xuất được; đồng thời để tránh việc thép cán cuộn giá rẻ sẽ từ Trung Quốc tiếp tục tràn vào Việt Nam, gây bất ổn thị trường thép Việt Nam.
Tuy nhiên sau khi gửi xin ý kiến dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính - cơ quan được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo - đã nhận được ý kiến góp ý của một số đơn vị liên quan về nội dung này.
Cụ thể: Một số ý kiến từ doanh nghiệp và cơ quan quản lý cho rằng, năng lực sản xuất thép cán nóng của Việt Nam hiện chưa đáp ứng nhu cầu trong nước. Các doanh nghiệp chủ yếu vẫn phải nhập khẩu thép cán nóng để sản xuất thép cán nguội phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị không điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với các mặt hàng thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 từ 0% lên 5%.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, thép cuộn cán nóng nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản; trong đó, nguồn Trung Quốc có lượng nhập khẩu lớn nhất lại không bị ảnh hưởng bởi việc điều chỉnh thuế MFN sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) là 0%. Việc tăng thuế sẽ chỉ tác động đến các nguồn từ Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc) hay Nhật Bản vì đang được hưởng mức thuế MFN là 0% do chưa có ưu đãi đặc biệt hay mức thuế tại Hiệp định song phương cao hơn. Như vậy, việc tăng thuế MFN có thể sẽ dẫn đến việc hướng sử dụng nguồn thép cuộn cán nóng của Trung Quốc nhiều hơn.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng mức thuế nhập khẩu cần hết sức cẩn trọng, đảm bảo được tính tự do trong thương mại, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng như cân đối được lợi ích và thiệt hại khi xảy ra phản ứng đáp trả tiêu cực từ các nước chịu tác động thông qua các mặt hàng khác mà Việt Nam đang xuất khẩu. Trong khi đó, mục đích ngăn chặn nguồn hàng nhập khẩu giá rẻ và bảo vệ nền sản xuất trong nước chưa đạt được