Điểm lại thị trường nông sản thế giới tuần qua

Điểm lại thị trường nông sản Mỹ, châu Á và thế giới tuần qua.

Thị trường nông sản Mỹ:

Kết thúc phiên giao dịch 4/9, giá các loại nông sản giao kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ, diễn biến trái chiều; giá ngô và đậu tương đều tăng, trong khi giá lúa mỳ giảm.

Chú thích ảnh
Sản phẩm đậu tương thu hoạch tại một trang trại ở Iowa, Mỹ ngày 4/4/2018. Ảnh: EPA/TTXVN

Cụ thể, giá ngô giao tháng 12/2020 khép phiên 4/9 tăng 4,25 xu Mỹ (1,2%) lên 3,58 USD/bushel và giá đậu tương giao tháng 11/2020 tăng 2 xu Mỹ (0,21%) lên 9, USD/bushel. Ở chiều ngược lại, giá lúa mỳ giao tháng 12/2020 chốt phiên với mức giảm 3 xu Mỹ (0,54%) xuống 5,5025 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Công ty tư vấn AgResource, có trụ sở tại Chicago, cho hay giá ngô và đậu tương tăng là nhờ nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc gia tăng.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo khoảng 318.000 tấn đậu tương Mỹ đã được xuất sang Trung Quốc. Cơ quan này ước tính Trung Quốc đã đặt mua gần 20,5 triệu tấn đậu tương Mỹ và con số này có thể tăng lên 26-28 triệu tấn trong niên vụ 2020/21.

Trung Quốc cũng đã đặt mua gần 1,2 triệu tấn ngô Mỹ trong tuần này. Trong khi đó, mặt hàng lúa mỳ của Mỹ không nhận được sự quan tâm từ khách hàng Trung Quốc. Trung Quốc đã đặt 250.000 tấn lúa mì HRW/HRS của Mỹ trong tuần trước.

Thị trường gạo châu Á:

Giá gạo xuất khẩu tại thị trường Thái Lan đã giảm xuống trong tuần này, kết thúc chuỗi ba tuần tăng giá liên tiếp do đồng baht yếu đi theo sau sự kiện Bộ trưởng Tài chính Thái Lan đột ngột xin từ chức vì lý do sức khỏe. Trong khi đó, giá gạo Việt Nam tăng lên do nguồn cung giảm.

Chú thích ảnh
Gạo được bày bán tại một siêu thị ở Bangkok, Thái Lan ngày 4/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã giảm xuống 500-513 USD/tấn trong phiên ngày 3/9, so với mức 500-520 USD/tấn trong tuần trước.

Đồng baht đã bị tác động bởi sự từ chức đột ngột của Bộ trưởng Tài chính vừa được bổ nhiệm, Predee Daochai, qua đó làm gia tăng sự bất ổn cho nền kinh tế vốn đang quay cuồng với đại dịch COVID-19. Một nhà giao dịch tại Bangkok cho hay việc Bộ trưởng Tài chính Thái Lan từ chức đã ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán gạo. Bên cạnh đó, nguồn cung gạo mới (từ vụ thu hoạch vừa kết thúc trong tháng này) cũng góp phần khiến giá gạo giảm.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên 490 USD/tấn trong ngày 3/9 so với mức 480-490 USD/tấn trong tuần trước do nguồn cung hạn chế, song các nhà giao dịch cho hay nhu cầu gạo yếu sẽ cản trở đà tăng giá của mặt hàng này trong vài tuần tới.

Số liệu sơ bộ từ chính phủ cho thấy xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian từ tháng 1-8/2020 có thể giảm 1,7% xuống 4,5 triệu tấn so với năm ngoái.

Giá gạo đồ 5% tấm của nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ không đổi ở mức 4-390 USD/tấn. Một nhà xuất khẩu tại Kakinada, bang Andhra Pradesh, cho biết các nhà xuất khẩu không tiến hành bất kỳ sự thay đổi nào về giá bán, nhưng họ sẽ phải tăng giá nếu đồng rupee tăng cao. Đồng rupee đã tăng khoảng 3% trong hai tuần qua.

Thị trường cà phê thế giới:

Giá cà phê đã tăng lên mức cao của 8 tháng rưỡi trong phiên ngày 4/9 do lượng hàng tại các kho dự trữ giảm và sản lượng cà phê tại Colombia, nhà sản xuất hạt cà phê Arabica lớn thứ hai, ở mức thấp.  

Giá cà phê có xu hướng cao hơn trong ba tuần qua do nguồn cung giảm dần. Lượng cà phê Arabica do ICE theo dõi đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm rưỡi qua là 1,192 triệu bao (1 bao = 60 kg) trong ngày 3/9. Ngoài ra, lượng cà phê Robusta do ICE giám sát đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 tháng là 10.908 lot (1 lot=10 tấn) vào ngày 28/8.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, trên sàn ICE Europe-London, giá cà phê Robusta giao tháng 11/2020 tăng 8 USD lên 1.444 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2021 cũng tăng 8 USD, lên 1.454 USD/tấn. Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York giao tháng 12/2020 tăng 2,8 xu Mỹ, lên 134 xu Mỹ/pound (1 pound = 1,454 kg) và kỳ hạn giao tháng 3/2021 tăng 2,9 xu Mỹ lên 134,55 xu Mỹ/pound.

Thời tiết khô hạn gần đây tại Minas Gerais, khu vực trồng cà phê lớn nhất Brazil, có thể khiến sản lượng cà phê thấp hơn và làm tăng giá cà phê.

Giá cà phê cũng được hỗ trợ bởi số liệu từ ICO đưa ra ngày 1/9 cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu trong niên vụ 2019/20 (trong thời gian từ tháng 10/2019-7/2020) giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 106,59 triệu bao.

Triển vọng sản lượng cà phê thấp hơn tại Việt Nam, nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, cũng đang hỗ trợ giá cà phê Robusta.

Minh Hằng/TTXVN (Tổng hợp)
Tuần qua, giá nhiều nông sản tiếp tục tăng nhẹ
Tuần qua, giá nhiều nông sản tiếp tục tăng nhẹ

Tuần qua (ngày 24/8 đến 29/8), giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục có xu hướng tăng từ 100 - 200 đồng/kg. Cùng với đó, giá cà phê, tiêu cũng duy trì được xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt giá tiêu cao nhất chạm mốc 50.000 đồng/kg sau một thời gian dài đứng giá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN