Giá ngô hợp đồng tháng 3 giảm hơn 2%
Với nhịp giảm mạnh kéo dài trong 3 phiên đầu tuần, giá ngô hợp đồng tháng 3 khép lại tuần giao dịch 18 - 24/12 với mức giảm hơn 2%. Sự cạnh tranh gay gắt của nguồn cung từ Brazil trên thị trường xuất khẩu tác động mạnh giá ngô trong tuần trước. Đà suy yếu của giá ngô chỉ được thu hẹp trong hai phiên cuối tuần nhờ lực mua kỹ thuật.
Dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy, Brazil đã vượt qua Mỹ và trở thành nhà cung cấp ngô lớn nhất của Trung Quốc vào tháng 11. Cụ thể, Trung Quốc đã nhập khẩu kỷ lục 3,59 triệu tấn ngô trong tháng vừa rồi, trong đó có tới 3,22 triệu tấn có nguồn gốc từ Brazil. Lũy kế trong 11 tháng đầu năm, đã có 22,18 triệu tấn ngô cập cảng Trung Quốc, với 40% từ Brazil và 29% từ Mỹ. Brazil đạt được kết quả này chỉ trong vòng một năm sau khi Bắc Kinh phê duyệt nhập khẩu ngô từ quốc gia Nam Mỹ này để giảm phụ thuộc vào Mỹ và Ukraine. Ngoài ra, vụ thu hoạch kỷ lục vào đầu năm nay cùng những đột phá về mặt hậu cần đã giúp ngô Brazil trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Thông tin trên đã gây áp lực lớn lên giá ngô trong tuần trước.
Đối với lúa mì hợp đồng tháng 3, giá diễn biến tương đối giằng co trong tuần vừa rồi, và cũng đóng cửa tuần với mức giảm hơn 2%. Mặc dù nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ triển vọng mùa vụ tiêu cực của một số nước xuất khẩu lớn trong năm tới, nhưng đà tăng của giá lúa mì tiếp tục bị chặn lại.
Hãng tư vấn Strategie Grains dự báo sản lượng lúa mì mềm năm 2024 của Liên minh châu Âu (EU) sẽ đạt 124,8 triệu tấn, giảm 1% so với năm nay. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tình hình mùa vụ tiêu cực ở Pháp và Đức, hai nhà sản xuất và xuất khẩu lúa mì mềm lớn nhất của EU. Tại Pháp, mưa lớn kéo dài đã trì hoãn hoạt động gieo trồng ở nhiều khu vực. Do đó, diện tích trồng lúa mì mềm năm nay của nước này chỉ đạt 4,24 triệu ha, mức thấp nhất kể từ năm 2000. Cũng bởi thời tiết bất lợi, diện tích trồng lúa mì đông năm nay ở Đức đạt 2,6 triệu ha, giảm 7,3% so với năm ngoái. Điều này đe dọa làm giảm nguồn cung lúa mì từ EU trong năm tới và hỗ trợ giá lúa mì.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (22/12) giá ngô Nam Mỹ nhập khẩu về cảng nước ta tương đối ổn định. Tại cảng Cái Lân, ngô Nam Mỹ kỳ hạn giao ở mức 6600 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao quý I, giá chào bán dao động ở mức 6.550 - 6.600 đồng/kg. Trong khi đó, giá chào bán ngô nhập khẩu tại cảng Vũng Tàu ghi nhận thấp hơn 50 đồng/kg so với giá giao dịch tại cảng Cái Lân.
Kỳ vọng FED hạ lãi suất, dòng tiền chảy mạnh vào nhóm kim loại quý
Kết thúc tuần giao dịch 18 - 24/12, sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạch kim dẫn dắt đà tăng của nhóm khi tăng 3,07% lên 981,8 USD/ounce, mức cao nhất kể từ cuối tháng 8/2023. Giá bạc cũng tăng 1,7% lên 24,56 USD/ounce. Cả giá bạc và giá bạch kim đều tăng hai tuần liên tiếp.
Kể từ sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mở ra kỳ vọng về việc xoay trục chính sách vào năm sau, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào nhóm kim loại quý trong tuần trước.
Kỳ vọng FED hạ lãi suất được củng cố sau khi Mỹ công bố số liệu lạm phát hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi của Mỹ, thước đo lạm phát ưa thích của FED, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo và là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 4/2021.
Đáng chú ý hơn, trên cơ sở hàng tháng, chỉ số PCE tháng 11 của Mỹ giảm 0,1%, giảm mạnh hơn dự báo và đánh dấu tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 4/2020.
Dữ liệu trên cho thấy lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt mạnh mẽ từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ thiết lập vào năm ngoái, đồng thời củng cố cho kỳ vọng FED sớm cắt giảm lãi suất. Theo đó, đồng USD tiếp tục suy yếu trong tuần trước. Chỉ số Dollar Index giảm về 101,7 điểm. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động quanh mức 3,9%, thấp nhất trong vòng 5 tháng. Điều này đã giúp giá kim loại quý được hưởng lợi.
Riêng đối với bạch kim, giá mặt hàng này còn nhận được hỗ trợ vì rủi ro nguồn cung thu hẹp. Trong tuần trước, hoạt động khai thác tại mỏ Bakofeng Rasimone của Impala Platinum đã bị gián đoạn bởi tình trạng biểu tình và đình công trong ba ngày.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX đóng cửa tuần tại mức 3,9 USD/pound nhờ tăng 0,37%. Giá quặng sắt cũng phục hồi trong sắc xanh, bật tăng 3,59% lên 1,7 USD/tấn. Cả giá đồng và giá sắt đều nhận được hỗ trợ sau khi Trung Quốc tuyên bố tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo Bloomberg, 5 ngân hàng nhà nước lớn nhất Trung Quốc đã hạ lãi suất đối với một số tiền gửi, nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Bên cạnh đó, thị trường đồng đón nhận lực mua tích cực bởi lo ngại nguồn cung thu hẹp tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất đồng tinh chế lớn nhất thế giới.
Trong tuần trước, rủi ro thiếu hụt nguồn cung đã bị đẩy lên cao sau khi tỉnh Cam Túc và Thanh Hải, những khu vực sản xuất đồng tinh luyện lớn của Trung Quốc, xảy ra trận động đất nguy hiểm nhất kể từ tháng 8/2014 khiến hoạt động tinh chế đồng bị đình trệ.