Doanh nghiệp băn khoăn về hóa đơn điện tử

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử là cần thiết và theo kịp xu hướng chung của thế giới, tuy nhiên, cần phải xem xét về lộ trình thực hiện từ đầu năm 2018 cũng như đối tượng áp dụng, bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp tại hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 12/9, tại Hà Nội.

Hóa đơn điện tử sẽ thay thế hóa đơn giấy từ 2018

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ Chính sách thuế, Tổng Cục Thuế (Bộ Tài Chính) cho biết, quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ hiện đang được áp dụng theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

Tuy nhiên, sau gần 7 năm áp dụng thực hiện những quy định này có nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế. Vì vậy, Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ (Dự thảo Nghị định sửa đổi), dự kiến trình lên Chính phủ trong tháng 10/2017 và đưa vào áp dụng từ ngày 1/1/2018.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, việc áp dụng hóa đơn điện tử có nhiều ưu điểm hơn so với hóa đơn giấy, giúp giảm thời gian làm thủ tục thuế, giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN) đồng thời khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn, gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn...

Dự thảo Nghị định sửa đổi có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng trong áp dụng hóa đơn điện tử. Cụ thể, DN có rủi ro cao về thuế phải sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/1/2018. Tổ chức kinh doanh có mã số thuế trước năm 2018 sử dụng hóa đơn tự in từ hệ thống máy tính chuyển qua sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử do DN tự phát hành từ ngày 1/7/2018 còn hóa đơn do DN đặt in trước 1/1/2018 sẽ được tiếp tục sử dụng trong năm 2018.

Cũng từ năm 2018, DN, tổ chức kinh doanh mới thành lập không đặt in hóa đơn, Bộ Tài Chính sẽ căn cứ tình hình thực tế quy định một số trường hợp sử dụng hóa đơn đặc thù là tem, vé, thẻ in sẵn.

Cùng đó, khi sử dụng hóa đơn điện tử, cơ sở kinh doanh chỉ thực hiện thủ tục duy nhất là đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã hoặc thông báo sử dụng hóa đơn điện tử với cơ quan thuế. Trong quá trinh sử dụng hóa đơn điện tử, DN sẽ không phải lập các báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, báo cáo mất, hỏng, hủy...

Bà Hà cho biết thêm, Dự thảo Nghị định cũng đề xuất phương án doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa bàn kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn được miễn phí sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử của cơ quan thuế..

Quang cảnh hội thảo


Lộ trình áp dụng có khả thi?

Trước đề xuất của Bộ Tài Chính, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam bày tỏ băn khoăn, nếu như áp dụng hóa đơn điện tử từ 1/1/2018 thì chỉ còn 3 tháng nữa để chuẩn bị thực hiện Nghị định này cũng như các thông tư hướng dẫn, cơ sở hạ tầng... liệu có khả thi?

Bà Cúc cho biết thêm, hóa đơn điện tử là cấp thiết nhưng cần phải lưu ý rằng, không chỉ lo đối phó với hóa đơn giả, bởi vẫn có tình trạng là hóa đơn thật, hàng hóa thật nhưng hàng hóa mua ngoài, nhập lậu, sau đó mua hóa đơn của DN bán hóa đơn, họ vẫn kê khai thuế bình thường, sau đó chuyển tiền vào DN ma rồi rút tiền khỏi tài khoản mà vẫn được khấu trừ thuế.

“Dù sử dụng hóa đơn giấy hay hóa đơn điện tử thì phải quản lý được nguồn hàng, gắn được với quản lý nguồn hàng. Thứ nữa, hóa đơn điện tử có mã xác thực nhưng việc xác thực đó chỉ là xác thực DN còn tồn tại hoạt động nhưng không xác định được hóa đơn đó có hàng hay không, có thực hay không? Đây là vấn đề cần phải xem xét”, bà Cúc nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa đại diện Hội Tư vấn Thuế băn khoăn là vấn đề xử lý vi phạm hành chính hóa đơn chưa được đề cập đến trong Dự thảo Nghị định, cùng với đó, lộ trình áp dụng cho hầu hết DN, kể cả hộ kinh doanh liệu có thực hiện được hay không, cần có lộ trình thực hiện đáp ứng với từng loại hình DN.

Còn bà Đặng Bình An, Công ty tư vấn N&D cho rằng, cần có đánh giá đầy đủ và khách quan về cái được và chưa được của hóa đơn điện tử. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng là vấn đề quan trọng cần được chuẩn bị kỹ.

“Tôi đi thực tế tại một số địa phương, cán bộ Chi cục thuế cho biết, mã xác thực cơ quan thuế vẫn bị tắc đường truyền, vì vậy cần làm sao để khi áp dụng hóa đơn điện tử đại trà phải thông suốt nếu không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của DN. DN không phải là chuột bạch để thí điểm, một khi ách tắc sẽ gây nhiều hệ lụy”, bà An cho hay.

Bà An cũng đề xuất nên cho áp dụng thử hóa đơn điện tử với một số DN lớn rồi sau đó, khi đủ điều kiện mới áp dụng đại trà, việc này nên lùi lại khoảng 2 -3 năm nữa. Tại Hội thảo, một số DN cũng bày tỏ băn khoăn, khi thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử thì trách nhiệm của cơ quan thuế đến đâu? Các đoàn thanh tra, kiểm tra có thể dựa vào dữ liệu đó để kiểm tra hay vẫn là trách nhiệm của DN?

Đại diện Công ty Viễn thông Viettel, đơn vị tiên phong thực hiện ứng dụng hóa đơn điện tử đề xuất, Nghị định nên quy định theo hướng mở hơn trong những tình huống DN bị gián đoạn công nghệ thông tin như mất điện... có thể sử dụng hình thức thay thế bằng chứng từ giấy sau đó chuyển lại hệ thống phần mềm...

Một số DN đề xuất hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký và đóng dấu của cả người bán và người mua mà chỉ nên bắt buộc đối với người bán, vì mục đích của hóa đơn điện tử là xác thực với cơ quan thuế còn việc có chữ ký của hai bên nên do DN tự thỏa thuận.

Trang Thu/Báo Tin Tức
Ngăn chặn tình trạng gian lận, làm giả hóa đơn thuế
Ngăn chặn tình trạng gian lận, làm giả hóa đơn thuế

Theo đề xuất với Chính phủ của Bộ Tài chính về nội dung Dự thảo Nghị định về hóa đơn (sửa đổi) mới đây, các doanh nghiệp vi phạm về quản lý, sử dụng hóa đơn; doanh nghiệp có rủi ro cao về việc chấp hành pháp luật thuế phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Đặc biệt, với Dự thảo nghị định về hóa đơn lần này có thể khắc phục được tình trạng gian lận, làm giả hóa đơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN