Trong khi ngành công nghiệp chế biến rau củ quả đông lạnh, sấy khô, các thị trường xuất khẩu chủ lực của Lâm Đồng như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… bắt đầu mở cửa trở lại, các công ty, doanh nghiệp ở Lâm Đồng đã nhanh chóng thích nghi với tình hình mới, vừa hoạt động sản xuất, vừa chống dịch. Từ đó, duy trì phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến rau củ quả, sản xuất rau hoa.
Trang trại hoa Đạ Ròn của Công ty trách nhiệm hữu hạn Dalat Hasfarm ở huyện Đơn Dương có diện tích 250 ha. Đây là trang trại lớn nhất của công ty, chuyên sản xuất hoa cho thị trường trong nước và xuất khẩu với chuỗi sản xuất gần như khép kín từ khâu xuống giống đến thu hoạch, đóng gói, vận chuyển.
Từ đầu tháng 7/2021, khi địa bàn huyện Đơn Dương xuất hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên, công ty đã nâng mức độ phòng, chống dịch lên mức cao, thực hiện việc kiểm soát người ra vào, đo nhiệt độ, yêu cầu công nhân sát khuẩn tay, giữ khoảng cách khi làm việc.
Với số lượng 2.000 công nhân, công ty cũng chủ động chia thành nhiều ca làm việc và mỗi ca kéo dài 6 giờ để sẵn sàng lực lượng thay thế trong trường hợp có ca mắc COVID-19.
Đến nay khi Lâm Đồng liên tục xuất hiện ca mắc COVID-19 mới, Công ty Dalat Hasfarm đã nhanh chóng điều chỉnh phương án làm việc phù hợp cho công nhân. Theo đó, công ty đã bắt đầu bố trí cho khoảng 1.500 công nhân tại Trang trại Đạ Ròn và trang trại ở huyện Lâm Hà ăn nghỉ tại chỗ, không đi ra ngoài để phòng tránh nguy cơ dịch bệnh xâm nhập.
Ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Tổng giám đốc Công ty Dalat Hasfarm cho biết, mọi chi phí ăn, ở của công nhân đều được công ty hỗ trợ, giúp công nhân yên tâm làm việc. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, công ty cũng chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án, cả những phương án xấu nhất để hoạt động sản xuất nông nghiệp không bị đứt gãy.
Hiện nay, các công ty, doanh nghiệp đang tập trung thực hiện các biện pháp phòng dịch mang tính chất xuyên suốt từ cổng vào đến cơ sở nhà máy, bếp ăn cũng như tuyên truyền để người lao động thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Một số công ty cũng thực hiện điều chỉnh giờ làm việc giãn cách để hạn chế tập trung quá đông công nhân trong một ca, chuyển sang hình thức làm việc, họp trực tuyến…
Ông Nguyễn Duy Đa, Giám đốc Công ty cổ phần Viên Sơn, một đơn vị chuyên xuất khẩu khoai lang sang Nhật Bản tại huyện Đức Trọng cho biết, dù rất lo lắng trước ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng công ty đã chủ động huấn luyện, xây dựng kịch bản đối phó với tình huống xấu xảy ra; đồng thời, liên tục cập nhật thông tin chỉ đạo từ địa phương nhằm bảo đảm hoạt động trong trạng thái an toàn, không ảnh hưởng đến sản xuất.
Tại Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Đà Lạt tự nhiên trong Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, Giám đốc Nguyễn Văn Anh cho biết, công ty đã hỗ trợ thêm phần ăn chiều cho công nhân thay vì một buổi ăn buổi trưa như trước đây để nâng cao sức khoẻ cho người lao động trong mùa dịch như hiện này. Ngoài ra, công ty cũng hỗ trợ tiền nhà trọ cho các công nhân xa nhà, những người ở gần được hỗ trợ xăng xe với mức 200.000 đồng/người/tháng.
Theo Sở Công Thương Lâm Đồng, Lâm Đồng có trên 10.500 doanh nghiệp, 107 dự án đầu tư nước ngoài (FDI). Để hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức diễn tập, hướng dẫn quy trình chuẩn trong phòng, chống dịch COVID-19; trong đó, tập trung về sàng lọc, phân luồng tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp. Cùng với đó, diễn tập các hoạt động cách ly, điều tra, truy vết và xử lý dịch tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp sau khi phát hiện trường hợp F1 làm việc tại doanh nghiệp bất kỳ.