Tính đến ngày 28/7, toàn hệ thống thuế đã tiếp nhận được hơn 171.555 giấy đề nghị gia hạn với tổng số tiền thuế được gia hạn là 53.400 tỷ đồng. Trong đó, số thuế giá trị gia tăng (GTGT) của doanh nghiệp được gia hạn là 28.913 tỷ đồng; số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của doanh nghiệp được gia hạn là 20.508 tỷ đồng; tiền thuê đất được gia hạn là 3.1 tỷ đồng; Thuế GTGT và thu nhập cá nhân (TNCN) của hộ và cá nhân kinh doanh được gia hạn là 597 tỷ đồng.
Trước đó, Nghị định 41 được Bộ Tài chính xây dựng “thần tốc” và gói hỗ trợ liên tục được nâng từ 30.000 tỷ đồng lên 80.000 tỷ đồng, sau đó chính thức nâng lên khoảng 180.000 tỷ đồng. Theo đó, gia hạn thời hạn nộp thuế 5 tháng đối với thuế VAT và thuế TNDN của doanh nghiệp; thuế VAT và thuế TNCN của các hộ kinh doanh và tiền thuê đất của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, với chính sách này, 98% tức khoảng 740.000 doanh nghiệp đang hoạt động và hầu hết hộ kinh doanh cá thể ngừng kinh doanh đều thuộc diện được gia hạn thuế và tiền thuê đất.
Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tổ chức tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ nội dung chính sách gia hạn nộp thuế GTGT, TNDN và TNCN, tiền thuê đất, theo quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP tới toàn thể người nộp thuế.
“Tại từng địa bàn quản lý, cơ quan thuế đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, văn phòng đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị định số 41. Việc phối hợp này được thực hiện thường xuyên, liên tục theo nhiều hình thức, đảm bảo mọi người nộp thuế tiếp cận và hiểu rõ phạm vi, đối tượng, thời hạn, trình tự, thủ tục thực hiện chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất để người nộp thuế thực hiện đúng và kịp thời chính sách hỗ trợ của Nhà nước, qua đó tháo gỡ khó khăn về tài chính cho người nộp thuế”, ông Đặng Ngọc Minh nói.
Để việc tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn thông suốt, Tổng cục Thuế đã có văn bản hướng dẫn các cục thuế về việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 41 đảm bảo đồng bộ, thống nhất chủ trương chính sách của Nhà nước từ khâu nộp giấy đề nghị gia hạn, tiếp nhận, xử lý thông tin trên giấy đề nghị gia hạn để thực hiện gia hạn cho người nộp thuế theo đúng quy định.
Tại Cục Thuế thành phố Hà Nội trong vài ngày gần đây, mọi hoạt động tại bộ phận “một cửa” vẫn diễn ra bình thường. Số người nộp thuế đến cơ quan thuế làm thủ tục gia hạn gần như không có. Một cán bộ thuế cho biết, tình hình tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất thông qua dịch vụ thuế điện tử vẫn diễn ra bình thường, không có tình trạng quá tải.
Tính đến sáng 28/7, Cục Thuế TP. Hà Nội đã tiếp nhận được 35.359 giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất bằng phương thức điện tử. Để đôn đốc người nộp thuế thực hiện gửi giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Cục Thuế TP. Hà Nội đã gửi email thông báo đến 100% doanh nghiệp trên địa bàn. Lãnh đạo Cục thuế đã yêu cầu các Phòng thanh tra kiểm tra, Chi cục Thuế tiếp tục kiểm tra, rà soát tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp gia hạn để đôn đốc, hướng dẫn người nộp thuế gửi giấy đề nghị gia hạn theo đúng quy định.
“Tổng cục Thuế đề nghị tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được gia hạn theo Nghị định 41 cần thực hiện ngay việc gửi giấy đề nghị gia hạn đến cơ quan thuế thông qua ứng dụng dịch vụ thuế điện tử, qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, qua bưu điện, hoặc đến trực tiếp đến cơ quan thuế để làm thủ tục gia hạn”, ông Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh.
Theo TS Nguyễn Đình Chiến - chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, hộ kinh doanh, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho phần lớn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Tuy nhiên theo số liệu từ Tổng cục Thuế, số lượng doanh nghiệp gửi giấy đề nghị gia hạn và số tiền thuế, tiền thuê đất đề nghị gia hạn còn rất khiêm tốn, trong khi thời hạn cuối cùng là ngày 30/7.
"Những nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do một số doanh nghiệp đã thực hiện nộp thuế ngay sau khi quay trở lại hoạt động kinh doanh, tránh phải gộp số thuế gia hạn phải nộp vào cuối năm; một số doanh nghiệp không phát sinh số thuế được gia hạn; một số doanh nghiệp còn lo ngại việc lập và gửi giấy đề nghị gia hạn do chưa hiểu đầy đủ và chưa hoàn toàn tự tin vào tính chính xác của số thuế đề nghị gia hạn tự xác định, nếu phát sinh sai sót sẽ bị xử lý qua thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế", TS Nguyễn Đình Chiến nói.