Báo cáo về tình hình đăng ký doanh nghiệp 9 tháng năm 2020 của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư cho hay: có 78.306 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có 8.701 doanh nghiệp dừng hoạt động. Con số này cao hơn 27% so với 9 tháng năm ngoái.
Trong đó, .629 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng kinh doanh có thời hạn, tăng tới 82% so với cùng kỳ năm ngoái; 27.588 doanh nghiệp chờ giải thể và 12.089 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Để gói hỗ trợ thực sự đến tay người lao động, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean Phạm Văn Việt đã đề nghị cơ quan chức năng cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn. Theo đó, có thể căn cứ vào sổ bảo hiểm, doanh thu của doanh nghiệp, danh sách giám sát công nhân tại địa phương… để cho vay gói lãi suất 0%; hoặc có thể căn cứ vào số lượng lao động bị ngừng việc, tình hình doanh thu của các công ty trong mấy tháng dịch COVID-19… là đủ cơ sở giải ngân cho vay. “Chúng tôi đang rất nóng lòng chờ tới thời điểm triển khai chính thức các thủ tục vay theo chính sách này. Nhưng đến nay chúng tôi vẫn đang chờ đợi chứ chưa được vay”, ông Phạm Văn Việt nói.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhiều doanh nghiệp phản ánh gói hỗ trợ về tài chính chưa đến tay họ. Có rất nhiều công ty đang phải gồng mình cố gắng bằng mọi phương án duy trì sản xuất và giữ chân người lao động. Với những nỗ lực như vậy, song họ vẫn không đủ điều kiện để được hưởng gói hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: NHNN đã ban hành đầy đủ cơ sở pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện và đã sẵn sàng nguồn vốn 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay. Tuy nhiên, mới chỉ có 1 doanh nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đủ điều kiện vay vốn, tuy nhiên sau đó, doanh nghiệp này đã tự cân đối nguồn trả lương cho người lao động mà không vay gói này.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH), nguyên nhân các doanh nghiệp chưa chủ động lập hồ sơ vay vốn, xác nhận các chế độ hỗ trợ cho người lao động do e ngại việc chứng minh khó khăn tài chính có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hướng dẫn của NHCSXH cho hay: Điều kiện để doanh nghiệp vay vốn bao gồm có từ 20%, hoặc từ 30% người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6; đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019. “Bộ LĐTB-XH đang được giao đầu mối trình Chính phủ xem xét sửa một số điều kiện tại Nghị quyết 42 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Theo Phó Tổng giám đốc NHCSXH Trần Lan Phương, ngân hàng vẫn chưa giải ngân được món nào trong gói 16.000 tỷ đồng lãi suất 0% hỗ trợ người lao động. "Ngay khi có Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng, ngân hàng đã ban hành văn bản 2129 hướng dẫn nghiệp vụ cho vay doanh nghiệp trả lương cho người lao động", bà Trần Lan Phương nói.
Thời gian qua có một số doanh nghiệp tìm đến ngân hàng để tìm hiểu thủ tục xin vay vốn nhưng vẫn chưa vay được. Đáng chú ý, theo quy định thì điều kiện, đối tượng cho vay lại không phải do NHCSXH quyết định. "Điều kiện, đối tượng vay vốn lại phải do Bộ LĐTB-XH tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, đến nay dù NHCSXH rất sẵn sàng cho vay nhưng vẫn chưa giải ngân hàng được món vay nào trong gói vay này", Phó TGĐ NHCSXH nhấn mạnh.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Căn cứ vào các điều kiện để được vay từ gói 16.000 tỷ đồng cho thấy quy định còn khá ngặt nghèo và do đó có thể khiến doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn để được vay. “Quy định điều kiện doanh nghiệp không có nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2019 khá khó khăn bởi trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, hầu hết doanh nghiệp đều có những khoản vay vốn ngân hàng, song những khoản nợ ngân hàng DN đều phải có trách nhiệm trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết. Trong khi đó, quy định một trong những điều kiện để được vay từ gói 16.000 tỷ đồng là doanh nghiệp không còn nợ tại ngân hàng dường như đã loại đi một tỷ lệ lớn doanh nghiệp không đủ điều kiện được vay”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung đã thông tin về các điểm sửa đổi, trong đó, sẽ bổ sung thêm nhóm đối tượng được hỗ trợ là giáo viên mầm non và các trường tư thục không có việc làm. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận: Doanh nghiệp được vay gói 16.000 tỷ đồng là vấn đề khó khăn nhất hiện nay bởi chúng ta các tiêu chí đặt ra quá cao, quá khắt khe như: Doanh nghiệp không có doanh thu, không còn nguồn thu, không có tiền để trả lương thì mới được vay. Với tiêu chí đó, doanh nghiệp đã “chết”.
Vì vậy, đại diện Bộ LĐTB-XH đã đề nghị cho sửa đổi theo tinh thần Thường trực Chính phủ đã bàn là doanh nghiệp có nguồn thu giảm 20% so với quý IV/2019 và quý liền kề trước thời điểm xét hưởng, giảm 20% so với cùng kỳ 2019, thì được cho vay; cắt giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp bằng cách lược bỏ các điều kiện thẩm định của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, doanh nghiệp tự làm việc trực tiếp với ngân hàng, tự kê khai và chịu trách nhiệm về việc vay mình.
Quyết định số 15/2020 ngày 24/4 của Thủ tướng Chính phủ có nêu: Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính được vay vốn tại NHCSXH với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động.