Sau hai ngày đóng cửa, thị trường ngoại hối Moskva sáng 9/3 có lúc ghi nhận đồng ruble giảm xuống 120,83 ruble đổi 1 USD trước khi tăng lên 120 ruble đổi 1 USD, giảm 12,5% so với tỷ giá đóng cửa ngày 4/3. Trong khi đó, tỷ giá ruble/euro cũng giảm 6,3%, xuống còn 1 euro đổi được 127 ruble. Các giao dịch đồng ruble ở nước ngoài cũng giảm 5,8% trên nền tảng EBS, xuống còn 1 USD đổi được 1 ruble.
Lạm phát tại Nga cũng đã tăng lên mức 9,15% trong tháng 2 sau khi đạt 8,73% trong tháng 1, mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Giá cả hàng hóa tiếp tục leo thang do đồng nội tệ mất giá.
Các thị trường tài chính của Nga đã rơi vào hỗn loạn kể từ sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2, dẫn tới một loạt các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Trong bối cảnh đồng ruble đến nay đã mất 30% giá trị so với USD kể từ ngày 24/2, chính phủ Nga đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường tài chính, trong đó có việc Ngân hàng trung ương tăng lãi suất gấp đôi, lên 20%.
Ngày 9/3, Ngân hàng trung ương Nga cho biết sẽ đưa ra hỗ trợ mới cho các công ty tài chính, đồng thời cấm các ngân hàng trong nước bán ngoại tệ cho người dân trong vòng 6 tháng tới. Trong khi đó, các ngân hàng Nga sẽ được phép cấp các khoản vay cho các công ty không phải của người đang định cư tại Nga nhằm tạo điều kiện cho các công ty mong muốn kinh doanh tại Nga hoạt động bình thường.