Vào lúc 8 giờ 11 phút giờ Việt Nam, chỉ số đồng USD ở mức 102,84, giảm 0,3% so với mức 103,17 trong phiên 10/10, mức cao nhất kể từ ngày 15/8. Tính theo tuần, chỉ số này đang hướng tới đà tăng 0,39%, tiếp nối mức tăng 2,06% của tuần trước.
Trong khi đó, đồng euro ổn định ở mức 1,093 USD/euro sau khi phục hồi từ mức thấp nhất trong hai tháng là 1,090 USD/euro vào đêm qua.
Báo cáo ngày 10/10 từ Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đạt 258.000 trong tuần kết thúc ngày 5/10, mức cao nhất theo tuần kể từ ngày 5/8/2023. Con số này tăng thêm 33.000 so với tuần trước đó và cao hơn mức dự báo 230.000.
Tuy nhiên, số liệu lạm phát mới công bố đã làm phức tạp dự báo của thị trường về chính sách tiền tệ, khi đà tăng của Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho thấy chính sách tiền tệ thắt chặt có thể cần thiết để kiểm soát lạm phát.
Cùng ngày 10/10, Bộ Thương mại Mỹ cho hay CPI của nước này trong tháng 9/2024 đã tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cao hơn mức tăng 2,3% mà các nhà kinh tế đã dự đoán, nhưng giảm so với mức tăng 2,5% của tháng Tám.
Chuyên gia Tapas Strickland, tại ngân hàng National Australia Bank cho rằng số liệu CPI mới nhất có thể là cơ sở để Fed tiếp tục điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng trung lập hơn.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, khả năng Fed cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 11/2024 đã tăng từ 80,3% lên 83,3%. Một tuần trước đó, chỉ có 32,1% khả năng cắt giảm Fed hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm và 67,9% khả năng Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm.
Biên bản cuộc họp tháng Chín của Fed được công bố ngày 9/10 cho thấy các quan chức Fed đã nhất trí về việc hạ lãi suất, nhưng bất đồng về mức độ cắt giảm. Theo biên bản cuộc họp, các thành viên đã có những quan điểm trái chiều về triển vọng kinh tế.
Phiên 10/10, đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong kể từ ngày 13/8 so với đồng USD sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp. Kể từ cuối tháng Chín, đồng euro đã giảm khoảng 2,3% so với đồng USD.
Sự suy yếu của đồng euro dự kiến sẽ tiếp tục duy trì khi cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) diễn ra vào tuần tới. Dự kiến, tại cuộc họp, ngân hàng này sẽ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất thứ ba trong năm.
Cuộc xung đột hiện nay ở Trung Đông cũng có thể gây áp lực lớn lên đồng euro do triển vọng giá năng lượng gia tăng. Kể từ khi bùng phát xung đột Nga - Ukraine, Khu vực đồng euro đã phải đối mặt với sự gia tăng chi phí sinh hoạt và suy giảm kinh tế.
Trong khi đó, đồng USD được coi là tài sản trú ẩn an toàn, nhờ khoảng cách địa lý của Mỹ với khu vực xung đột, cùng với nền kinh tế vững mạnh của nước này.