Neel Kashkari, nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), cho biết, với tình hình "sức khỏe" hiện tại của nền kinh tế Mỹ, lãi suất có thể sẽ tăng trở lại và được giữ ở mức “cao hơn trong thời gian dài hơn” cho đến khi lạm phát giảm xuống mức 2%.
Nhận định của ông Kashkari đã giúp đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm - vốn được coi là mức lợi suất chuẩn tạo ra xu hướng cho lợi suất trái phiếu trên toàn thế giới - lên 4,566% vào cùng ngày.
Lợi suất cao hơn của trái phiếu Mỹ đã thúc đẩy sức hấp dẫn của đồng bạc xanh, đẩy chỉ số đồng USD- thước đo sự biến động của đồng USD so với rổ các đồng tiền chủ chốt- lên 106,2, mức cao nhất kể từ cuối tháng 11/2022.
Đồng euro dường như không thay đổi so với đồng USD trong phiên này, đứng ở mức 1,0588 USD/euro, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 3/2023 ở mức 1,057 USD/euro.
Sự tăng giá của đồng USD đã gây thêm thiệt hại cho đồng yen Nhật Bản, lần đầu tiên rơi xuống mốc 149 yen đổi 1 USD kể từ tháng 10/2022. Đồng USD sau đó tăng 0,12% lên 149,06 yen.
Đồng yen đang trượt về mức 150 yen/USD mà các nhà phân tích và thương nhân coi là ranh giới đỏ đối với Bộ Tài chính Nhật khi Bộ cảnh báo về khả năng can thiệp đã tăng cường trong những tuần gần đây.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết, các nhà chức trách sẽ không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào về tiền tệ nếu biến động quá mức vẫn tiếp diễn và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda cho biết ngân hàng trung ương sẽ phối hợp chặt chẽ với chính phủ về vấn đề ngoại hối.
Cùng ngày, đồng bảng Anh trượt xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2023 ở mức 1,21 USD/bảng, sau quyết định của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) về việc giữ lãi suất ở mức 5,25% vào tuần trước và một loạt dữ liệu kinh tế tồi tệ. Đồng franc Thụy Sỹ cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2023 ở mức 0,915 franc đổi 1 USD, tiếp tục trượt dốc kể từ khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ bất ngờ giữ nguyên lãi suất vào tuần trước.