Vào lúc sáng 12/10 tại thị trường Tokyo, tỷ giá giao dịch giữa hai đồng tiền được niêm yết ở mức 145,87-92 yen/USD, tăng nhẹ so với mức giá đóng cửa 145,63-64 yen của thị trường này trong phiên giao dịch chiều 11/10. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau đó, tỷ giá này đã tăng lên mức 146,05-06 yen/USD. Đây là mức giá thấp nhất chưa từng thấy của đồng yen kể từ tháng 8/1998.
Không chỉ mất giá với đồng USD, đồng yen còn mất giá so với đồng euro. Tỷ giá giữa hai đồng tiền này vào lúc 9 giờ sáng trên thị trường Tokyo được niêm yết ở mức 141,46-57 yen/euro, tăng nhẹ so với mức giá đóng cửa 141,22-26 yen/euro ở thị trường này trong phiên giao dịch trước đó.
Theo giới phân tích, nguyên nhân chủ yếu khiến cho đồng yen tiếp tục mất giá mạnh so với đồng bạc xanh của Mỹ là do các nhà đầu tư lo ngại khoảng cách lãi suất giữa hai nền kinh tế sẽ tiếp tục gia tăng khi nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất trong phiên họp vào tháng 11 tới, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn kiên định với chính sách tiền tệ siêu lỏng.
Trước đó, trong phiên họp hồi tháng 9, Fed đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm nhằm hạ nhiệt lạm phát. Đây là lần thứ 5 liên tiếp Fed tăng lãi suất trong năm nay. Đáng chú ý, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố rằng giới chức nước này sẽ tiếp tục hành động dứt khoát để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%/năm, ngay cả khi điều đó có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp tăng và nguy cơ suy thoái trong ngắn hạn. Vì vậy, giới đầu tư lo ngại Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong hai cuộc họp còn lại của năm nay.
Ngay sau khi Fed công bố quyết định trên, ngày 22/9, tỷ giá giữa yen/USD trên thị trường Tokyo đã tăng vượt ngưỡng 145 yen/USD lên mức 145,9 yen/USD, buộc Bộ Tài chính Nhật Bản phải can thiệp vào thị trường tiền tệ để chặn đà tăng giá của đồng yen thông qua nghiệp vụ bán USD mua yen. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1998, Nhật Bản phải can thiệp vào thị trường bằng cách bán USD mua yen.
Mặc dù đồng yen mất giá mạnh nhưng trong phiên giao dịch sáng 12/10, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Tokyo vẫn phản ứng khá thận trọng bởi vì, họ muốn quan sát thêm các diễn biến lạm phát ở Mỹ. Sau 15 phút giao dịch đầu tiên, chỉ số Nikkei-225 chỉ giảm 0,17% so với mức giá đóng cửa của phiên trước xuống còn 26.357,3 điểm. Chỉ số Topix index cũng giảm 0,12% xuống còn 1.869,02 điểm. Các cổ phiếu mất giá mạnh thuộc về các ngành khoáng sản, vận tải biển, dầu khí và than đá.