Đồng USD giảm 0,47% xuống mức 140,15 yen đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2023. Trong phiên giao dịch trước đó, đồng USD đã chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 12 năm ngoái là 140,285 yen đổi 1 USD, qua đó khép lại tuần giao dịch vừa rồi với mức giảm 1,3% so với đồng yen. Hoạt động giao dịch diễn ra thưa thớt trong phiên này, do các thị trường ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đóng cửa nghỉ lễ.
Cuộc họp ngày 17 - 18/9 của Fed là một trong những điểm nổi bật của tuần này, bên cạnh các cuộc họp của của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).
Lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ đã giảm xuống trước thềm cuộc họp của Fed, đặc biệt khi khả năng Fed giảm 0,5 điểm phần trăm đã tăng lên. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm 0,3 điểm phần trăm trong khoảng hai tuần. Xu hướng này đã thúc đẩy giới đầu tư bán đồng USD để mua đồng yen.
Bình luận của các quan chức Fed và các số liệu được công bố trong tháng qua đã khiến thị trường thay đổi tỷ lệ dự đoán về mức giảm lãi suất tuần này. Thị trường đang tranh luận về việc liệu Fed sẽ ngăn chặn sự suy yếu của thị trường lao động bằng các đợt cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hay “án binh” và chờ đợi.
Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường đang dự đoán khả năng Fed cắt giảm 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng Chín là 59% và tổng mức giảm trong cả năm nay là 1,25 điểm phần trăm.
Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi quyết định lãi suất của BoJ vào ngày 20/9, với dự đoán ngân hàng này sẽ giữ nguyên mục tiêu lãi suất chính sách ngắn hạn ở mức 0,25%. Các thành viên trong hội đồng quản trị BoJ đã cho thấy họ muốn lãi suất cao hơn. Khoảng cách giữa lãi suất ở Nhật Bản và các nước lớn khác thu hẹp đã thúc đẩy đồng yen tăng giá và khiến các giao dịch carry trade (giao dịch chênh lệch lãi suất) giảm xuống.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tuần trước, nhưng Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã làm giảm khả năng ECB tiếp tục hạ lãi suất vào tháng tới.
BoE được dự đoán sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 5% vào tuần tới, sau khi khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 8.
Nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng trong quý II/2024 với tốc độ chậm hơn một chút so với ước tính ban đầu của chính phủ, nhưng vẫn đủ vững mạnh để BoJ duy trì xu hướng tăng lãi suất vào cuối năm nay.
Báo cáo do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 9/9 cho hay Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý kết thúc vào tháng 6/2024 đã tăng 2,9% so với quý trước đó. Kết quả này thấp hơn so với ước tính sơ bộ là 3,1%. Tiêu dùng tư nhân và đầu tư xản xuất cũng đều được điều chỉnh xuống thấp hơn.
Dù có sự điều chỉnh giảm, các số liệu kinh tế nhìn chung ủng hộ quan điểm của Thống đốc BoJ Kazuo Ueda rằng đà phục hồi từ từ sẽ tiếp tục. Hầu như không có nhà kinh tế nào kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ điều chỉnh lãi suất chuẩn khi hội đồng chính sách họp vào cuối tháng này, nhưng nhiều nhà quan sát dự đoán BoJ sẽ có động thái về lãi suất vào tháng 1/2025.
Theo ông Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin, các đợt điều chỉnh phần lớn nằm trong biên độ sai số và không thay đổi nhận thức chung rằng nền kinh tế Nhật Bản đang phục hồi.
Ông Minami đánh giá các số liệu này không thực sự ảnh hưởng đến lập trường chính sách của BoJ. Theo ông, ngân hàng trung ương khó có thể tăng lãi suất trong tháng này do thị trường tài chính không ổn định. Tuy nhiên, BoJ đã phát tín hiệu cân nhắc tăng lãi suất nên nhiều khả năng sẽ có thêm một đợt điều chỉnh nữa trong năm nay.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế vẫn hoài nghi về khả năng phục hồi của nhu cầu tiêu dùng khi các hộ gia đình Nhật Bản phải vật lộn với lạm phát dai dẳng. Chỉ số chính về lạm phát tiêu dùng đã duy trì ở mức tương đương hoặc cao hơn mục tiêu 2% của BoJ trong 28 tháng qua. Mặc dù tiền lương thực tế cuối cùng đã ngừng giảm sau hơn hai năm, nhưng chi tiêu của người tiêu dùng Nhật Bản vẫn dưới mức trước đại dịch.
Ông Minami cho biết, với khả năng nhu cầu từ Trung Quốc và Mỹ có thể hạ nhiệt khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, chi tiêu của người tiêu dùng Nhật Bản sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế.
Theo chuyên gia này, chi tiêu của người tiêu dùng Nhật Bản có thể tăng mạnh hơn khi tiền lương bắt đầu tăng. Đồng thời, giá gạo và thực phẩm tăng gần đây có thể khiến các hộ gia đình duy trì chế độ tiết kiệm.
Nền kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng trong quý hiện tại, với các nhà kinh tế dự kiến tốc độ tăng trưởng đạt 1,7% và vượt ước tính cao nhất của của BoJ là 1%. Điều đó cho thấy các nhà kinh tế nhận định áp lực lạm phát sẽ tiếp tục kéo dài khi BoJ giữ nguyên lãi suất ở mức thấp nhất trong số các ngân hàng lớn, ngay cả khi đã tăng lãi suất hai lần vào đầu năm nay.
Cuộc họp chính sách tiếp theo của BoJ sẽ diễn ra vào hai ngày 19 - 20/9. Trọng tâm cuộc họp có thể là khả năng BoJ tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 10 hoặc tháng 12, sau lần tăng gần đây nhất lên 0,25% vào tháng 7.
Theo một cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg, hơn một nửa số nhà quan sát nhận định rằng BoJ sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất tiếp theo vào tháng 12/2024, khi không ai kỳ vọng bất cứ động thái chính sách nào tại cuộc họp vào tuần tới.
Kết quả khảo sát của Bloomberg cho hay 53% trong số 53 nhà kinh tế cho rằng BoJ sẽ hành động vào tháng 12. Đáng chú ý, 87% trong số này dự báo rằng BoJ nhiều khả năng tăng chi phí đi vay vào cuối tháng 1/2025.