Theo đó, khảo sát lấy ý kiến của nhà kinh tế và chuyên gia phân tích đã đưa ra dự báo trung bình giá dầu thô Brent sẽ ở mức 100,5 USD/thùng trong năm 2022 và giảm nhẹ xuống mức 95,56 USD/thùng trong năm 2023.
Các mức dự báo được tổng hợp từ khảo sát mới đã giảm nhẹ so với các mức dự báo tương ứng được công bố trong khảo sát hồi tháng 10, lần lượt là 101,1 USD/thùng và 95,74 USD/thùng. Dầu thô Mỹ sẽ có giá trung bình là 95,47 USD/thùng trong năm 2022 và 87,40 USD/thùng trong năm 2023.
Ngày 30/11, dầu Brent được giao dịch ở mức 84 USD/thùng, giảm hơn 15% so với hồi đầu tháng 11, chủ yếu do nhà đầu tư lo ngại nhu cầu giảm khi Trung Quốc vẫn đang áp dụng các biện pháp phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19.
Frank Schallenberger, trưởng nhóm nghiên cứu hàng hóa tại Ngân hàng LBBW (Đức), nêu rõ thị trường dầu đang có điểm 3 thắc mắc chính gồm: Điều gì sẽ xảy ra với nguồn cung dầu Nga khi EU thực thi lệnh cấm nhập khẩu? Tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm thế nào khi các điều kiện kinh tế suy yếu? Tốc độ giảm sản lượng dầu mỏ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+)?
Các lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của EU sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12 cùng lúc với một kế hoạch khác của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) nhằm áp trần giá với dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, do các lãnh đạo các nước thành viên EU vẫn đang tranh cãi về kế hoạch chung nên các ý kiến phân tích về tác động của các biện pháp trên cũng chưa nhất quán. Tổng hợp các dự báo cho thấy nguồn cung dầu mỏ sẽ thiếu hụt từ 500.000 thùng/ngày đến 2 triệu thùng/ngày. Một số nhà phân tích cũng tin rằng Nga sẽ tìm các tuyến đường khác để xuất khẩu dầu thô.
Theo chuyên gia phân tích hàng hóa hàng đầu của Economist Intelligence Unit (EIU, Anh), Matthew Sherwood, việc EU thực thi lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga sẽ khiến giá dầu giao động ở mức hơn 80 USD/thùng hoặc cao hơn từ quý I/2023. Hầu hết các chuyên gia thị trường đều nhất trí rằng OPEC+ (trong đó có cả Nga) sẽ duy trì mức cắt giảm sản lượng hiện nay trong cuộc họp ngày 4/12 nhưng cũng có thể sẽ cân nhắc tiếp tục cắt giảm sản lượng.
Một số ít chuyên gia được khảo sát dự báo thị trường dầu mỏ sẽ cân bằng hơn trong nửa sau năm 2023. Nhu cầu dầu mỏ tăng từ 1,8 - 2,1 triệu thùng/ngày trong năm 2022 và tăng từ 1 - 2 triệu thùng/ngày vào năm 2023, trong đó thị trường châu Á dẫn đầu tăng trưởng nhu cầu. Dù giá dầu được dự báo sẽ giảm nhẹ trong năm 2023 vì tăng trưởng kinh tế chậm lại nhưng nhà phân tích thị trường năng lượng Suvro Sarkar từ Ngân hàng DBS (Singapore) cho rằng giá dầu sẽ khó có thể giảm mạnh trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và OPEC+ cũng đón đầu bằng các biện pháp cắt giảm sản lượng tự nguyện và sản lượng dầu tại Nga cũng chịu tác động bởi biện pháp cấm nhập khẩu của EU.