Cụ thể, Fed yêu cầu các ngân hàng nhà nước, là thành viên trong hệ thống của cơ quan này, sẽ buộc phải đệ trình đơn yêu cầu và nhận được văn bản chấp thuận không giám sát từ Fed, trước khi phát hành, nắm giữ hoặc giao dịch bằng bằng đồng tiền mã hóa (token), sử dụng làm phương tiện thanh toán, như đồng tiền kỹ thuật số được neo bởi một đồng tiền pháp định (stablecoin).
Fed đồng thời cũng cho biết đang thiết lập một chương trình giám sát mới, hỗ trợ nâng cao khả năng quản lý hoạt động của các ngân hàng trong lĩnh vực tiền điện tử, công nghệ chuỗi (blockchain) và quan hệ đối tác phi ngân hàng dựa trên công nghệ. Chương trình mới sẽ nhấn mạnh đến khả năng cải thiện và tăng cường công nghệ cho quy trình giám sát hiện có.
Trong thông báo gửi đến các ngân hàng, Fed cho biết, để nhận được văn bản chấp thuận không giám sát, các ngân hàng phải giải trình được khả năng quản lý rủi ro khả thi, bao gồm cả việc sẵn sàng hệ thống đối phó, có thể xác định, giám sát mọi rủi ro tiềm ẩn, các mối đe dọa an ninh mạng và tài chính bất hợp pháp.
Sau khi nhận được văn bản chấp thuận không giám sát, các ngân hàng thành viên trong hệ thống của Fed khi tham gia vào hoạt động liên quan đến đồng tiền mã hóa vẫn tiếp tục bị đưa vào diện xem xét kiểm soát, cũng như phải chịu sự giám sát tăng cường đối với các hoạt động nói trên.
Thông báo của Fed được đưa ra một ngày sau khi nền tảng thanh toán trực tuyến toàn cầu PayPal ra mắt đồng stablecoin mới, có tên gọi là PayPal USD. PayPal USD xuất hiện trong bối cảnh lĩnh vực tiền điện tử đang trải qua thời kỳ khó khăn, sau khi sàn giao dịch tiền điện tử FTX sụp đổ, kéo theo nhiều vụ kiện pháp lý chống lại những “người chơi” lớn nhất trong lĩnh vực tiền điện tử.
Các nhà quản lý vĩ mô của Mỹ đang tỏ ra thận trọng hơn với tiền điện tử. Tháng trước, Ủy ban Dịch vụ Tài chính thuộc Hạ viện Mỹ đã đưa ra một dự luật nhằm thiết lập khung pháp lý liên bang cho stablecoin, trong đó tập trung vào các quy tắc đăng ký và quy trình phê duyệt cho các tổ chức phát hành đồng stablecoin.