Hiện, giá cam sành tại vườn chỉ còn từ 1.500 - 3.000 đồng/kg, giảm hơn 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giá thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Không chỉ giá giảm, nhà vườn còn gặp khó do không tìm được người thu mua và nhiều vườn cam quả chín rụng khắp vườn.
Vườn cam 4 ha của gia đình bà Phạm Thị Hết, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè đã đến thời điểm thu hoạch nhưng vẫn chưa thấy thương lái lại cắt cam khiến bà đứng ngồi không yên; mặc dù, trước đó nửa tháng thương lái đã đến đặt cọc 3.000 đồng/kg. Tuy hiện giờ bà đồng ý bán với giá 2.000 đồng/kg nhưng vẫn không tìm được người mua.
Bà Phạm Thị Hết chia sẻ, vườn cam này chỉ có 1 ha là đất nhà của gia đình, 3 ha còn lại là đất thuê. Để sản xuất vụ cam năm nay, bà đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng; trong đó, vay ngân hàng 500 triệu đồng. Với giá cam hiện nay, gia đình bà bị thua lỗ nặng nề và khó có thể trả nợ ngân hàng.
Nhà vườn Nguyễn Duy Khánh, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè chia sẻ, gia đình anh cải tạo 1 ha đất ruộng lên liếp trồng cam được 2 năm nay và đây là vụ thu hoạch đầu tiên, năng suất ước đạt 70 tấn/ha. Tuy nhiên, thương lái chỉ đặt mua với giá 1.500 đồng kg/kg trong khi tổng chi phí gia đình anh đầu tư vụ đầu lên đến 500 triệu đồng.
Huyện Cầu Kè là địa phương có diện tích trồng cam chiếm đến 80% diện tích cam toàn tỉnh, tập trung nhiều ở các xã Thạnh Phú, Tam Ngãi, Hòa Ân và Châu Điền. Những năm trước đây, giá cam sành từ 15.000 - 20.000 đồng/kg nên mỗi vụ thu hoạch, nhà vườn lãi khoảng 400 - 600 triệu đồng/ha/năm. Do lợi nhuận hấp dẫn nên nhà vườn ở Cầu Kè liên tục mở rộng diện tích trồng cam. Từ khoảng 1.500 ha vào năm 2016, đến nay toàn huyện đã phát triển gần 2.400 ha.
Theo các nhà vườn, chi phí bình quân để trồng 1 ha cam sành khoảng 250 triệu đồng, gồm: mua cây giống, cải tạo đất, lên liếp, mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật… Với năng suất bình quân 70 tấn/ha và giá bán 1.500 đồng/kg như hiện tại, theo tính toán, nhà vườn lỗ khoảng 150 triệu đồng/ha; nếu thuê đất để trồng thì thua lỗ càng nặng hơn.
Ông Nguyễn Hùng Mận, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản và Làm vườn tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh Trà Vinh hiện có tổng diện tích trồng cam trên 3.000 ha. Quả cam sành ở Trà Vinh hiện chưa có thị trường xuất khẩu, chỉ tiêu thụ nội địa; phần lớn là các tỉnh ở miền Trung và miền Bắc.
Trong khi đó, từ Tết Nguyên đán đến nay, thời tiết các tỉnh, thành ở 2 khu vực này khá lạnh nên lượng cam thương phẩm tiêu thụ rất hạn chế. Cùng với đó, một số loại cam tại địa phương cũng đang vào vụ thu hoạch nên cung vượt cầu, cam sành bị “dội chợ” dẫn đến giá sụt giảm.
Tình trạng này là hệ lụy tất yếu của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tự phát không theo quy hoạch của nông dân. Để đảm bảo đầu ra cho nông sản, nhà vườn nên tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, thắt chặt liên kết theo chuỗi giá trị để có thị trường tiêu thụ ổn định.
Đặc biệt, sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và hướng hữu cơ sinh học, để được sản phẩm sạch, an toàn, dễ tìm thị trường tiêu thụ bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.