Ông Nguyễn Văn Tòng ở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải cho biết, gia đình vừa thu hoạch dần 0,5 ha ao nuôi cua theo mô hình nuôi quảng canh kết hợp cùng một vài loại thủy sản như: cá, tôm sú, tôm thẻ chân trắng… Lượng cua giống được gia đình thả nuôi 5.000 con, ước sản lượng thu hoạch cua thương phẩm trong vụ này đạt khoảng 0,8 tấn.
Theo ông Tòng, khác vụ thu hoạch năm 2023, giá cua biển bắt đầu giảm mạnh từ đầu tháng 10/2024 và kéo dài cho đến nay. Cụ thể, giá cua gạch loại 3 con/kg chỉ còn 300.000 – 320.000 đồng/kg, giảm 80.000 – 100.000 đồng so giá cua trong tháng 9/2024; giá cua thịt loại 2 – 4 con/kg chỉ con 150.000 – 200.000 đồng/kg, giảm 30.000 – 50.000 đồng/kg. Với giá cua biển như hiện tại, lợi nhuận nuôi cua giảm từ 30 – 50 triệu đồng/ha so với giá cua thương phẩm trong tháng 9/2024.
Ông Nguyễn Văn Lắm ở xã Đông Hải, huyện Duyên Hải cho biết, nhiều năm nay, cua biển trở thành con nuôi chính của nhiều hộ nông dân có ít đất. Nhờ nuôi cua biển chỉ mất khoảng hơn 4 tháng từ khi thả cua giống đến thu hoạch và mỗi năm nuôi được 3 vụ trong năm. Lợi thế nuôi cua biển theo mô hình quảng canh là không lo gặp rũi ro về dịch bệnh như con tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Bình quân năng suất nuôi cua biển theo mô hình quảng canh đạt từ 1,2 tấn/ha. Nhờ nuôi cua biển chi phí thấp nên dù giá cua có giảm thấp ở mức 150.000 – 200.000 đồng/kg, người nuôi cua vẫn có lợi nhuận từ 80 – 90 triệu đồng/ha/vụ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, đến nay, nông dân trong tỉnh đã thả nuôi cua biển hơn 23.000 ha, với lượng con giống hơn 137 triệu con giống. Sản lượng cua biển nuôi đã thu hoạch tính đến hiện tại ước khoảng 5.000 tấn, đạt 86% sản lượng so kế hoạch.
Ngành nông nghiệp tỉnh luôn khuyến khích người dân ven biển chuyển đổi mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng bán thâm canh sang mô hình đa dạng con nuôi kết hợp; trong đó, cya biển được chọn làm con nuôi chủ lực để thay thế cho một vụ nuôi tôm, nhằm hạn chế sự rủi ro việc nuôi tôm 3 vụ trong năm.