Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng 8 trên sàn ICE Futures Europe đã tăng 1,4% lên 40,13 USD/thùng, sau khi tăng 3,3% chốt phiên giao dịch ngày 2/6. Giá dầu WTI giao tháng 7 trên sàn New York Mercantile đã tăng 2,1% lên 37,59 USD/thùng, sau khi tăng 3,9% trong phiên trước đó. Mặc dù giá dầu thô toàn cầu đã tăng gấp đôi so với thời điểm giữa tháng 4, song lộ trình để nhu cầu dầu mỏ quay trở về như trước khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình trạng căng thẳng liên quan đến vấn đề sắc tộc tại Mỹ làm tăng nguy cơ về một làn sóng lây nhiễm thứ hai, trong khi việc đi lại giữa các nước có thể bị ảnh hưởng thêm nhiều năm.
Viện nghiên cứu dầu mỏ Mỹ (API) cho biết lượng dầu dự trữ tại kho chứa Cushing, bang Oklahoma giảm 2,2 triệu thùng vào tuần trước, đánh dấu 4 tuần suy giảm liên tiếp. Đây một dấu hiệu nữa cho thấy thị trường dầu mỏ đang dần tái cần bằng. Dự kiến Chính phủ Mỹ sẽ công bố dữ liệu chính thức trong ngày 3/6. Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô của các nhà sản xuất Trung Đông trong nhóm OPEC đã giảm mạnh nhất vào tháng trước, trong bối cảnh thỏa thuận cắt giảm sản lượng được thực thi và Nga tiến gần tới mục tiêu về giảm sản lượng.
Giữa tháng 4 vừa qua, trong bối cảnh giá dầu lao dốc và cầu giảm mạnh do đại dịch COVID-19, OPEC+ đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm ổn định thị trường. Thỏa thuận quy định nhóm OPEC+ sẽ giảm tổng cộng 9,7 triệu thùng dầu/ngày trong 2 tháng bắt đầu từ ngày 1/5, và có thể lên tới 15 triệu thùng/ngày nếu tính tới các nước khác trong Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).