Theo đó, giá dầu Brent tăng 48 xu Mỹ (tương đương 0,7%) lên 73,99 USD/thùng vào lúc 13 giờ 51 phút (giờ Việt Nam), sau khi đã chạm mức cao 74,18 USD/thùng trước đó cùng phiên.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 49 xu Mỹ (0,7%) lên 70,94 USD/thùng. Hồi đầu phiên, giá loại dầu này có lúc đạt ngưỡng cao nhất kể từ ngày 3/8 là 71,14 USD/thùng.
Các giàn khoan dầu ngoài khơi Vịnh Mexico của Mỹ đã buộc phải sơ tán vào ngày 13/9, khi các nhà máy lọc dầu trên bờ bắt đầu chuẩn bị cho cơn bão nhiệt đới Nicholas. Cơn bão này đang hướng tới bờ biển Texas với sức gió 70 dặm/giờ (113 km/h), đe dọa vùng duyên hải Texas và Louisiana vốn vẫn đang chật vật phục hồi sau bão Ida.
Ông Satoru Yoshida, một nhà phân tích hàng hóa tại công ty môi giới đầu tư Rakuten Securities, cho biết thị trường lo ngại rằng bão Nicholas sẽ gây thêm gián đoạn ở Vịnh Mexico, trong khi họ vẫn đang cố gắng xác định hoạt động sản xuất dầu thô của Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng từ bão Ida trong bao lâu.
Theo Cục An toàn và Thực thi Bảo vệ Môi trường (BSEE), hơn 40% sản lượng dầu và khí đốt của Vịnh Mexico vẫn chưa được phục hồi, dù bão Ida đã đổ bộ vào cách đây 2 tuần.
Việc tăng giá cũng diễn ra trong bối cảnh lo ngại về khả năng nguồn cung dầu của Libya bị gián đoạn do tình hình chính trị xã hội phức tạp.
Tuy nhiên, ông Hiroyuki Kikukawa, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty môi giới đầu tư Nissan Securities, nhận định đợt tăng giá dầu này sẽ diễn ra trong thời gian ngắn.
Theo ông, đà tăng giá trên thị trường có thể bị hạn chế do mùa sử dụng xe cao điểm của Mỹ dần kết thúc, trong khi nguồn cung có tiềm năng sẽ tăng từ các kế hoạch bán dầu từ các nguồn dự trữ chiến lược ở cả Mỹ và Trung Quốc. Việc Iran có thể nối lại hoạt động xuất khẩu dầu cũng sẽ tạo sức ép lên giá “vàng đen”.
Càng tăng thêm áp lực về giá là thông tin cho hay sản lượng dầu của Mỹ từ bảy hệ thống khai thác dầu đá phiến chính dự kiến sẽ tăng khoảng 66.000 thùng/ngày trong tháng 10/2021 lên 8,1 triệu thùng/ngày. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2020 tới nay.