Giá dầu Brent giao tháng Tám giảm 15 xu Mỹ, hay 0,1%, xuống 123,43 USD/thùng vào lúc 13 giờ 30 phút (theo giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng Bảy giảm 20 xu, hay 0,2%, xuống 121,91 USD/thùng.
Cả hai loại dầu chốt phiên trước ở mức cao nhất kể từ ngày 8/3, bằng với các mức được ghi nhận vào năm 2008.
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng Năm tăng 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái, khi các hạn chế nhằm kiểm soát dịch được nới lỏng, cho phép một số nhà máy nối lại hoạt động. Đây là mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 1/2022 và gấp đôi mức dự báo của các nhà phân tích.
Tuy nhiên, các số liệu thương mại khởi sắc của Trung Quốc đã không duy trì được đà tăng của giá dầu.
Nhà phân tích về thị trường châu Á-Thái Bình Dương của công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ) Jeffrey Halley cho rằng việc một quận tại Thượng Hải bị phong tỏa trong cùng ngày lại gây lo ngại về chính sách "không COVID" của Trung Quốc.
Các khu vực ở Thượng Hải bắt đầu thực hiện các hạn chế mới vào ngày 9/6, khi người dân quận Minhang được yêu cầu ở trong nhà trong hai ngày để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Trong khi đó, nhu cầu xăng dầu vào cao điểm mùa Hè tại Mỹ tiếp tục thúc đẩy đà tăng giá.
Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố ngày 8/6, dự trữ dầu thô chiến lược của nước này giảm kỷ lục, dù dự trữ thương mại tăng trong tuần trước.
Số liệu của EIA cho thấy nhu cầu đối với tất cả các sản phẩm dầu mỏ tại Mỹ tăng lên 19,5 triệu thùng/ngày, trong khi nhu cầu xăng tăng lên 8,98 triệu thùng/ngày.