Một trạm xăng ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tại Sàn giao dịch điện tử Singapore, vào lúc 13 giờ 10 giờ Việt Nam, giá dầu Brent giảm 29 xu Mỹ (0,4%) xuống 76,45 USD/thùng; còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giảm 7 xu Mỹ xuống 66,57 USD/thùng.
Ngày 14/6, Trung Quốc cho biết lượng dầu tiêu thụ của các nhà máy lọc dầu nước này đã giảm từ 12,06 triệu thùng/ngày trong tháng Tư xuống 11,93 triệu thùng/ngày trong tháng Năm. Số liệu này được đưa ra giữa bối cảnh sản lượng công nghiệp, hoạt động đầu tư và doanh số bán lẻ tại Trung Quốc trong tháng Năm đều tăng thấp hơn dự kiến.
Bên cạnh đó, thị trường dầu mỏ còn chịu sức ép trước báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ chạm mức cao kỷ lục 10,9 triệu thùng/ngày trong tuần trước. Sản lượng dầu tại Mỹ đã tăng gần 30% trong hai năm qua và đang tiến gần đến mức sản lượng của Nga (11,1 triệu thùng/ngày trong hai tuần đầu tháng Sáu).
Giữa bối cảnh giá dầu Brent đã tăng khoảng 180% kể từ mức thấp của năm 2016 và nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga có thể sớm kết thúc chương trình cắt giảm sản lượng. Theo kế hoạch, OPEC và Nga sẽ nhóm họp tại Vienna (Áo) vào ngày 22/6 tới để thảo luận chính sách sản xuất.
Sau gần 18 tháng thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC nhằm vực dậy giá dầu, Saudi Arabia và Nga đã thông báo hai nước này đang chuẩn bị bơm thêm dầu nhằm xoa dịu những lo ngại của các nước tiêu thụ về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết Iran cùng với Venezuela, Iraq và các nhà sản xuất nhỏ hơn trong OPEC không đồng ý với quan điểm của Saudi Arabia và Nga.