Giá dầu châu Á đi xuống trong phiên chiều 13/5

Giá dầu châu Á giảm trong phiên giao dịch chiều 13/5 do những lo ngại liên quan đến khả năng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tái bùng phát ở những quốc gia nới lỏng biện pháp phong tỏa, trong khi các số liệu vừa được công bố cho dự trữ dầu thô của Mỹ tiếp tục tăng.

Chú thích ảnh
Một trạm bơm dầu ở Luling, bang Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Vào lúc 13 giờ 58 phút (giờ Việt Nam) ngày 13/5, giá dầu thô Brent giảm 40 xu Mỹ (1,3%) xuống 29,58 USD/thùng, sau khi tăng 1,2% trong phiên giao dịch ngày 12/5. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 10 xu Mỹ (0,4%) xuống 25, USD/thùng, sau khi tăng 6,8% trong phiên trước đó.

Chuyên gia Avtar Sandu thuộc trung tâm Phillip Futures tại Singapore cho rằng giá dầu giảm do những lo ngại rằng dịch COVID-19 có thể khiến các nước phải tiếp tục kéo dài biện pháp phong tỏa, qua đó làm ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng cũng như hoạt động kinh tế toàn cầu.

Liên quan đến vấn đề cung dầu, Nội các Saudi Arabia đã hối thúc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, cắt giảm sản lượng hơn nữa nhằm khôi phục trạng thái cân bằng của thị trường dầu toàn cầu.

Trước đó, ngày 11/5, Saudi Arabia thông báo sẽ cắt giảm sản lượng thêm một triệu thùng/ngày trong tháng 6/2020, tương đương 1% nguồn cung dầu toàn cầu, qua đó đưa tổng sản lượng khai thác của nước này xuống còn 7,5 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết, lượng dự trữ dầu của nước này tăng 7,6 triệu thùng trong tuần trước lên 526,2 triệu thùng, cao hơn mức dự kiến tăng 4,1 triệu thùng của các nhà phân tích.

Giá vàng châu Á ổn định

Giá vàng tại thị trường châu Á nhìn chung ổn định trong phiên chiều 13/5 khi các nhà đầu tư đang chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell để đánh giá hiện trạng “sức khỏe” của nền kinh tế Mỹ, trong khi những dự đoán gia tăng về khả năng Mỹ có thể hạ lãi suất xuống vùng âm.

Vào lúc 14 giờ 21 phút ngày 13/5 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á ổn định ở mức 1.702,52 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giảm 0,1% xuống còn 1.705,90 USD/ounce.

Chiến lược gia tiền tệ Ilya Spivak của DailyFx cho rằng các ngân hàng trung ương đã triển khai một loạt gói hỗ trợ kinh tế quy mô lớn và đang chờ đến khi các nước dỡ bỏ lệnh phong tỏa để đánh giá hiệu quả của chúng. Ngoài ra, chuyên gia này cho hay dự đoán về việc Mỹ có thể giảm lãi suất xuống vùng âm sẽ hỗ trợ giá vàng. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/5 lại hối thúc Fed giảm lãi suất xuống vùng âm,  

Các gói kích thích kinh tế quy mô lớn đã hỗ trợ giá vàng - được coi là kênh đầu tư phòng ngừa lạm phát tăng và trong các giai đoạn kinh tế khó khăn. Ước tính, các chính phủ và ngân hàng trung ương trên thế giới đã triển khai những gói kích thích kinh tế có tổng giá trị lên tới 15.000 tỷ USD để giảm bớt những thiệt hại kinh tế do dịch COVID-19 gây ra.

Các thị trường đang chờ đợi bài phát biểu mà ông Powell dự kiến đọc vào lúc 20 giờ 00 phút ngày 13/5 (giờ Việt Nam) để có thể đánh giá chính xác hiện trạng “sức khỏe” của nền kinh tế Mỹ. 

Trong khi đó, quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới là SPDR Gold Trust cho biết, lượng vàng nắm giữ của quỹ này đã tăng 0,24% lên 1.083,66 tấn trong ngày 12/5.

Trên thị trường các kim loại quý khác, giá palladium giảm 0,4% xuống còn 1.852,52 USD/ounce, giá bạc tăng 0,4% lên 15,47 USD/ounce và giá bạch kim tăng 0,9% lên 760,54 USD/ounce.

Tại Việt Nam, vào lúc 15 giờ 19 phút ngày 13/5, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở thị trường Hà Nội ở mức 48 - 48,4 triệu đồng/lượng.

Vân Anh - Anh Quân (TTXVN)
Giá vàng vẫn trên mốc 48 triệu đồng/lượng
Giá vàng vẫn trên mốc 48 triệu đồng/lượng

Sáng 13/5, các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước điều chỉnh giá vàng SJC trái chiều nhau, tuy nhiên, kim loại quý vẫn vững giá trên mốc 48 triệu đồng/lượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN