Kết thúc phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 29 xu Mỹ (0,5%), xuống 61, USD/thùng, sau khi có lúc chạm mức 60,97 USD/thùng ở phiên trước đó. Trong khi, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng hạ 6 xu Mỹ (0,1%), xuống 65,31 USD/thùng. Tuy nhiên, mức giảm này đã thu hẹp so với đầu phiên, khi giá dầu Brent rơi xuống mức 64,80 USD/thùng.
Báo cáo ngày 23/2 của Viện Dầu khí quốc gia Mỹ (API) cho hay, dự trữ dầu thô của nước này tăng 1 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 19/2, trái ngược với ước tính giảm 5,2 triệu thùng trong một cuộc thăm dò trước đó của Reuters. Báo cáo của API cũng cho biết, lượng dầu thô của các nhà máy lọc dầu của Mỹ cũng giảm 2,2 triệu thùng /ngày.
Nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters dự đoán giá dầu Brent có thể tái xác lập mức 66,45 - 66,97 USD/thùng trong thời gian tới. Trong khi đó, nhà phân tích Vivek Dhar của Commonwealth Bank cho biết, câu hỏi quan trọng là nguồn cung dầu của Mỹ phục hồi nhanh chóng như thế nào.
Giới đầu tư đang chờ đợi báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ vào cuối ngày 24/2 với đồn đoán rằng kho dự trữ dầu của Mỹ tăng trong tuần trước, bất chấp sản lượng dầu đá phiến đang bị hạn chế trong bối cảnh miền Nam nước Mỹ đang trải qua điều kiện thời tiết băng giá chưa từng có.
Giao thông tại kênh Houston đang dần trở lại bình thường, nhưng các bến cảng vẫn gặp phải một số vấn đề do thời tiết băng giá từ tuần trước ở Texas.
Đà giảm giá trên của giá dầu được coi là sự “tạm nghỉ” của cả giá dầu Brent và dầu WTI sau khi tăng hơn 26% kể từ đầu năm lên mức cao nhất trong 13 tháng.
Giá dầu tăng từ đầu năm nay do sự gián đoạn nguồn cung của Mỹ và nỗ lực kiềm chế nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác gọi là OPEC+.