Tại thị trường Singapore, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 62 xu Mỹ (hoặc 0,7%) lên 93,90 USD/thùng vào lúc 14 giờ 22 phút (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 64 xu Mỹ (0,7%) lên 92,71 USD/thùng.
Giá cả hai loại dầu trên đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2014 trong phiên 14/2, với giá dầu Brent chạm mức 96,78 USD/thùng và dầu WTI ở mức 95,82 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 50% trong năm 2021, trong khi dầu WTI tăng khoảng 60% giữa bối cảnh nhu cầu toàn cầu phục hồi từ nguồn cung căng thẳng trong đại dịch COVID-19.
Thông báo rút một phần quân khỏi biên giới với Ukraine của Nga trong ngày 15/2 gặp phải sự nghi ngờ, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo rằng lực lượng của Nga vẫn còn khá đông gần biên giới.
Tuy nhiên, ngoài căng thẳng Nga-Ukraine, thị trường dầu mỏ vẫn bị tác động và giá dầu vẫn đang hướng tới mức 100 USD/thùng.
Jonathan Barratt, phụ trách về đầu tư tại Probis Group ở Sydney, nhận định: “Về mặt kỹ thuật, chúng tôi có thể thấy giá nhiên liệu quay về mức 90 USD/thùng khi chốt lời, nhưng giá dầu có xu hướng tăng lên tới 100 USD/thùng khi nền kinh tế đang đi đúng hướng và nhu cầu ngày càng tăng cao trên một thị trường hạn chế nguồn cung”.
Ngoài căng thẳng Nga-Ukraine, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy giá sản xuất tháng Một tăng lên mức cao nhất trong tám tháng qua. Thông tin này càng cho thấy lạm phát cao có thể kéo dài trong phần lớn thời gian năm nay.
Theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Xăng Dầu Mỹ ngày 15/2, các nguồn dự trữ xăng, dầu và sản phẩm chưng cất của Mỹ trong tuần trước giảm.
Giới đầu tư đang chờ đợi số liệu dự trữ dầu mỏ hàng tuần của Mỹ từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), dự kiến ngày 16/2.