Giá dầu châu Á giảm trong phiên 10/5

Giá dầu châu Á giảm trong phiên 10/5, kết thúc chuỗi ba phiên tăng liên tiếp, trong bối cảnh lượng dầu dự trữ tại các kho của Mỹ bất ngờ tăng làm dấy lên quan ngại nhu cầu và nhà đầu tư chờ đợi số liệu lạm phát của Mỹ để đánh giá quyết định lãi suất tiếp theo tại nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.

Chú thích ảnh
Bơm xăng cho ô tô tại trạm xăng ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh minh họa: Kyodo/TTXVN

Lúc 13 giờ 43 phút ngày 10/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent biển Bắc giảm 69 xu (0,9%) xuống 76,75 USD/thùng. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 67 xu (0,9%) xuống 73,04 USD/thùng.

Trong một dấu hiệu về khả năng nhu cầu dầu suy yếu, Viện Xăng Dầu Mỹ ngày 9/5 cho biết lượng dầu dự trữ tại các kho của Mỹ đã tăng khoảng 3,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 5/5, trong khi dự trữ xăng tăng khoảng 399.000 thùng. Số liệu này đã đập tan dự báo lượng dầu dự trữ giảm 900.000 thùng và lượng xăng giảm 1,2 triệu thùng của tám nhà phân tích của hãng tin Reuters.

Số liệu chính thức về kho dự trữ của Mỹ sẽ được công bố ngày 10/5 theo giờ địa phương.

Dự trữ xăng dầu của Mỹ bất ngờ tăng cùng với nhập khẩu dầu ít hơn và mức tăng xuất khẩu yếu tại Trung Quốc trong tháng 4/2023 đã làm trầm trọng lo ngại về nhu cầu dầu toàn cầu.

Nhà phân tích Priyanka Sachdeva thuộc công ty nghiên cứu thị trường Phillip Nova Pte Ltd cho hay các nhà đầu tư dầu nên để ý tới những manh mối về sức khỏe nền kinh tế Mỹ, hiện đang khá là mờ nhạt và ảm đạm.

Thị trường đang chờ đợi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2023 của Mỹ, dự kiến công bố ngày 10/5.

Chủ tịch chi nhánh Fed tại New York John Williams cho biết lạm phát vẫn còn quá cao và Fed sẽ tăng lãi suất một lần nữa nếu cần thiết, dù cho ngân hàng trung ương này đã bỏ chỉ dẫn về việc cần tăng lãi suất trong tương lai.

Thị trường hiện cũng đang chờ đợi báo cáo dầu hàng tháng từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), công bố ngày 11/5 để tìm thêm manh mối về việc liệu tổ chức này và các nước liên minh, hay còn gọi là OPEC+, có cần cắt giảm sản lượng một lần nữa để đẩy giá lên hay không.

OPEC+ trong tháng 4/2023 đã nhất trí cắt giảm sản lượng khoảng 1,16 triệu thùng/ngày từ tháng 5/2023 cho đến hết năm.

Truyền thông đưa tin Bộ trưởng Năng lượng Nga cho hay mức giảm sản lượng dầu của nước này đã gần đạt mức mục tiêu trong tháng 4/2023.

Saudi Arabia, sau khi cam kết cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày từ tháng 5/2023, đã thông báo cho các khách hàng ở châu Á về việc họ sẽ cung cấp đầy đủ khối lượng dầu thô được yêu cầu cho tháng 6/2023. Các nguồn tin cho biết một số nhà máy lọc dầu của Trung Quốc có thể đã yêu cầu giảm nguồn cung, điều này sẽ giúp nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới đạt được mục tiêu sản lượng thấp hơn.

Tại Alberta, tỉnh sản xuất dầu mỏ chính của Canada, các vụ cháy rừng đã giảm bớt trong ngày 9/5 nhờ thời tiết mát mẻ hơn. Các vụ cháy rừng đã buộc các nhà sản xuất dầu khí phải ngừng sản xuất ít nhất 319.000 thùng dầu quy đổi mỗi ngày, tương đương 3,7% sản lượng của cả nước.

Các thị trường cũng đang theo dõi những bình luận của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Cộng hòa về việc tăng trần nợ 31.400 tỷ USD, nếu Quốc hội không hành động trong ba tuần nữa, nguy cơ về một vụ vỡ nợ của chính phủ chưa từng có sẽ xảy ra.

Minh Hằng/TTXVN (Theo Reuters)
Giá dầu châu Á đảo chiều giảm phiên chiều 9/5
Giá dầu châu Á đảo chiều giảm phiên chiều 9/5

Chiều ngày 9/5, giá dầu tại thị trường châu Á đảo chiều đi xuống, sau hai ngày liên tục tăng mạnh nhờ tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư được cải thiện và các tín hiệu kinh tế tích cực từ thị trường Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN