Vào lúc 13 giờ 36 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 67 xu Mỹ, hay 1,6%, xuống 40,51 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 80 xu Mỹ, hay 2,1%, và được giao dịch ở mức ,14 USD/thùng.
Theo số liệu của Viện xăng dầu Mỹ (API), lượng dầu dự trữ của Mỹ đã tăng 8,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 5/6, trái ngược với dự đoán giảm 1,7 triệu thùng và giới phân tích đưa ra trước đó trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Trong khi đó, lượng dự trữ nhiên liệu dầu chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi ấm, đã tăng 4,3 triệu thùng, vượt xa mức tăng dự đoán 3 triệu thùng.
Về mặt cung, triển vọng nhu cầu dầu cũng không mấy khả quan, trước những số liệu cho thấy hoạt động tuyển dụng tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 4, cho thấy thị trường lao động của nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi.
Tại Nhật Bản, nước nhập khẩu dầu lớn thứ tư thế giới, tình hình cũng không khả quan hơn khi số đơn đặt hàng máy móc đã ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất trong hai năm qua trong tháng 4.
Giá dầu đã được hỗ trợ trong những tuần gần đây nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục mà Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi chung là OPEC+, đã đồng ý gia hạn vào ngày 6/6 vừa qua.
Nhưng Saudi Arabia, Kuwait và Các tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) cho biết họ sẽ không duy trì mức cắt giảm sản lượng bổ sung tự nguyện 1,18 triệu thùng/ngày.