Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tiến 33 xu Mỹ (tương đương 0,4%) lên 94,75 USD/thùng vào lúc 15 giờ 00 phút (theo giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tiến 33 xu Mỹ lên 88,78 USD/thùng.
Đồng USD mạnh hơn đã tạo thêm áp lực lên giá dầu, trong bối cảnh các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều phát tín hiệu về việc thắt chặt chính sách mạnh tay hơn nữa.
Các thị trường đang chú ý theo dõi báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Mỹ dự kiến được công bố vào cuối ngày 7/10 (giờ địa phương). Giới chuyên gia kinh tế dự báo thị trường lao động Mỹ đã tạo thêm 250.000 việc làm vào tháng trước, thấp hơn con số 315.000 việc làm của tháng 8.
Các loại dầu tiêu chuẩn vẫn hướng đến mức tăng hàng tuần do động thái cắt giảm sâu sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nhà sản xuất lớn ngoài khối bao gồm Nga (còn gọi là nhóm OPEC+).
2 triệu thùng/ngày là mức cắt giảm lớn nhất kể từ năm 2020 của OPEC+ và diễn ra trước lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga. Quyết định này sẽ bóp nghẹt nguồn cung trên một thị trường vốn đã eo hẹp, đe dọa khiến lạm phát lên cao hơn.
Hôm 6/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ sự thất vọng về các kế hoạch của OPEC+. Ông cùng các quan chức cho biết Mỹ đang xem xét tất cả các giải pháp thay thế có thể để giữ giá không tăng. Một số lựa chọn trong số đó bao gồm giải phóng thêm dầu từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) hoặc tìm cách hạn chế hoạt động xuất khẩu năng lượng của các công ty Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan cho biết việc mở bán thêm dầu từ SPR sẽ được bù đắp phần lớn bởi sản lượng thấp hơn từ Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Kuwait. Sự bù đắp này vẫn khiến thị trường thiếu hụt trong quý IV/2022. Đồng thời, họ cho biết thêm giá dầu Brent có thể thử sức tại ngưỡng 100 USD/thùng trong quý này.