Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn đã giảm 13 xu (hay 0,1%) xuống 89,65 USD/thùng vào lúc 14 giờ 37 phút (giờ Việt Nam) và không xa mức thấp nhất trong bốn tuần là 89,53 USD/thùng đạt được trong phiên trước đó.
Ngược lại, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ tăng 13 xu (tương đương 0,2%) lên 81,77 USD/thùng, nhưng vẫn quanh mức thấp nhất trong sáu tuần.
Tính đến thời điểm hiện tại trong tuần, giá dầu WTI đã giảm 8% trong khi dầu Brent giảm hơn 6%.
Chỉ số USD yếu đi trong chiều thứ Sáu đã giúp dầu rẻ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Giới phân tích cho biết những lo ngại về khả năng Trung Quốc tiếp tục các lệnh phong tỏa để hạn chế sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 mới cùng khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất và đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái đã khiến thị trường trở nên u ám.
Nhận xét của các quan chức Fed trong tuần này và doanh số bán lẻ mạnh hơn dự kiến đã làm tiêu tan một số hy vọng về việc ngân hàng trung ương sẽ điều tiết các đợt tăng lãi suất.
Theo một cuộc thăm dò của Reuters, hiện thị trường dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 12 sau bốn lần tăng 75 điểm cơ bản liên tiếp.
Ông Warren Patterson, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại ngân hàng ING cho biết trong ngắn hạn, tâm lý thị trường có thể vẫn tiêu cực do bức tranh vĩ mô chuyển biến xấu và các dấu hiệu kinh tế suy thoái.
Những lo ngại về suy thoái kinh tế đã chi phối thị trường năng lượng trong tuần này. Ngay cả những thông tin về lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô của Nga có hiệu lực vào ngày 5/12, hay việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) sẽ thắt chặt nguồn cung cũng không nâng đỡ được giá "vàng đen".