Khoảng 14 giờ 23 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển Bắc tăng 54 xu Mỹ (0,6%) lên 95,19 USD/thùng. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 72 xu Mỹ (0,8%) lên 89,09 USD/thùng.
Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đã tăng khoảng 2% trong phiên trước đó do đồng USD yếu đi và sau một thông tin chưa xác định đang được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy Chính phủ Trung Quốc dự định cân nhắc các biện pháp để nới lỏng quy định liên quan đến dịch COVID-19 từ tháng 3/2023, qua đó có khả năng thúc đẩy nhu cầu dầu tại nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới.
Các nguồn tin thị trường dẫn số liệu của Viện Xăng Dầu Mỹ (API) cho hay thêm một dấu hiệu tích cực khác về nhu cầu đó là dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm khoảng 6,5 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 28/10. Trong khi đó, các nhà phân tích của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) dự báo dự trữ dầu thô sẽ tăng khoảng 400.000 thùng.
Cùng lúc đó, dự trữ xăng đã giảm nhiều hơn dự kiến, với mức giảm 2,6 triệu thùng so với dự báo giảm 1,4 triệu thùng của các nhà phân tích.
Nhà phân tích Tina Teng của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets (Vương quốc Anh) cho biết ngoài số liệu dự trữ của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến, tâm lý lạc quan từ thông tin chưa xác nhận về kế hoạch nới lỏng chính sách zero COVID của Trung Quốc cũng hỗ trợ đà tăng của dầu.
Bà Teng cho biết đồng USD suy yếu cũng hỗ trợ giá dầu, giúp hàng hóa được giao dịch bằng đồng bạc xanh rẻ hơn cho những người nắm giữ đồng tiền khác.
Đồng bạc xanh rời khỏi mức cao nhất của gần một tuần so với rổ tiền tệ, trong đó các nhà giao dịch lo ngại trước quyết định chưa rõ ràng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 2/11 (theo giờ địa phương).
Lệnh cấm vận của châu Âu lên dầu Nga, dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 5/12, có thể đẩy giá dầu lên cao.