Giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 1,10 USD (1,2%) xuống 94,67 USD/thùng vào lúc 14 giờ 10 phút (giờ Việt Nam), sau khi giảm 1,2% vào thứ Sáu (28/10). Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,07 USD (1,2%) xuống 86,83 USD/thùng, sau khi giảm 1,3% vào ngày 28/10.
Tuy nhiên, giá dầu Brent và WTI đang trên đà đạt được mức tăng hàng tháng đầu tiên kể từ tháng 5/2022, lần lượt tăng 7,7% và 9,3% cho đến nay.
Trước đó, các nguồn tin từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhận định mặc dù vai trò của các loại năng lượng tái tạo và xe ô tô điện ngày một tăng, song OPEC vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng nhu cầu dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng trong dài hạn so với các dự báo mà giới chuyên ra đưa ra.
Theo kế hoạch, OPEC sẽ cập nhật dự báo nhu cầu dầu mỏ trong dài hạn trong báo cáo Triển vọng dầu mỏ thế giới năm 2022 công bố ngày 31/10 (theo giờ địa phương). Báo cáo triển vọng năm 2021 trước đó dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới ít biến động sau năm 2035.
Theo OPEC, nhu cầu dầu mỏ tiếp tục tăng trưởng trong một thập niên hoặc kéo dài hơn sẽ là động lực cho các nhà sản xuất dầu mỏ và OPEC, tổ chức có 13 nước thành viên có nguồn thu phụ thuộc lớn vào dầu mỏ, cũng như thúc đẩy nhu cầu tiếp tục đầu tư vào nguồn cung dầu mới.
Tuy nhiên, người tiêu dùng và chính phủ các nước thúc giục nỗ lực giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch để chống biến đổi khí hậu lại không vui mừng trước thông tin này.