Dù vậy, giá dầu cũng trên đà giảm tuần thứ hai liên tiếp với mức giảm 4%, khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất mạnh mẽ và các biện pháp kiềm chế COVID-19 của Trung Quốc đè nặng lên nhu cầu.
Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 22 xu Mỹ (tương đương 0,3%) lên 89,37 USD/thùng vào đầu giờ chiều theo giờ Việt Nam. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 10 xu Mỹ (0,1%) lên 83,64 USD/thùng.
Giới phân tích cho rằng đà giảm của giá dầu đã được hạn chế phần nào bởi khả năng thắt chặt nguồn cung, trong bối cảnh Nga đe dọa cắt giảm lượng dầu xuất sang bất kỳ quốc gia nào ủng hộ áp đặt giới hạn giá dầu thô của họ.
Các yếu tố khác cũng giúp nâng đỡ giá dầu là việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (OPEC+) chỉ cắt giảm sản lượng khiêm tốn, cùng triển vọng tăng trưởng sản lượng dầu của Mỹ yếu hơn.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ hôm 8/9 cho biết họ dự kiến sản lượng dầu thô của nước này sẽ tăng 540.000 thùng/ngày lên 11,79 triệu thùng/ngày vào năm 2022, giảm so với dự báo trước đó là tăng 610.000 thùng/ngày.
Các nhà phân tích cho biết dựa trên triển vọng nguồn cung, việc bán tháo có thể đã hết động lực, vì nhu cầu tại Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới có thể phục hồi nhanh chóng.
Các nhà phân tích của ngân hàng National Australia Bank cho biết nhu cầu dầu của Trung Quốc khó dự đoán. Nhưng sau các đợt mở cửa trước đây, nước này đã cho thấy sự phục hồi nhanh chóng ngay lập tức hay vì chỉ tăng dần qua thời gian.
Hiện tại, các biện pháp phòng dịch COVID-19 đang được thắt chặt ở Trung Quốc. Thành phố Thành Đô hôm 8/9 đã mở rộng lệnh cấm ra ngoài đối với hầu hết dân số trên 21 triệu người tại đây. Hàng triệu người ở các khu vực khác của Trung Quốc cũng được yêu cầu không đi du lịch trong những ngày lễ sắp tới.