Tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao kỳ hạn tăng 1,56 USD (12,6%), lên 13,91 USD/thùng. Phiên tăng này đã giúp bù đắp phần nào đà giảm 27% mà thị trường năng lượng ghi nhận trong hai phiên giao dịch đầu tuần này. Vào đầu phiên 29/4, giá dầu WTI thậm chí tăng hơn 15%, chạm mức cao nhất trong phiên là 14,4 USD/thùng.
Báo cáo cùng ngày từ Viện Dầu phí Quốc gia Mỹ (API) cho hay, dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 24/6 đã tăng 10 triệu thùng, lên 510 triệu thùng, vượt mức dự báo tăng của giới phân tích là 10,6 triệu thùng. Thị trường sẽ tiếp nhận báo cáo hàng tuần khác về dự trữ dầu thô của Mỹ, được Bộ Năng lượng nước này công bố vào cuối ngày 29/4 (giời địa phương).
Rystad Energy ước tính sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ tăng lên 300.000 thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6.
Các nhà chức trách bang Texas, nơi sản xuất dầu lớn nhất của Mỹ, dự kiến sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến vào ngày 5/5 tới về việc cắt giảm sản lượng. Trong khi đó, giới chức bang North Dakota và Oklahoma cũng đang xem xét các phương án cho phép cắt giảm sản lượng một cách hợp pháp.
Động thái trên sẽ củng cố thêm nỗ lực cắt giảm sản lượng gần 10 triệu thùng dầu/ngày (tương đương khoảng 10% sản lượng toàn cầu) trong tháng 5 - 6/2020 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn khác, gồm có Nga.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody cùng ngày đã hạ các mức dự báo về giá dầu thế giới, cho rằng mức giá trung bình của dầu WTI sẽ vào khoảng 30 USD/thùng trong năm 2020 và 35 USD/thùng năm 2021, do sự suy thoái kinh tế toàn cầu đè nặng lên nhu cầu nhiên liệu và dự kiến nguồn cung dồi dào sẽ “ghìm” giá dầu ở mức thấp đến năm 2021.