Chiều 13/9, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 8 xu Mỹ (0,1%) lên 92,14 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 13 xu (0,2%) lên 88,97 USD/thùng. Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đã tăng gần 2% trong phiên ngày 12/9 lên gần mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.
Satoru Yoshida, nhà phân tích hàng hóa của Rakuten Securities, cho biết triển vọng nhu cầu tăng của OPEC và dự đoán của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) về sự sụt giảm lượng dầu trong các kho dự trữ toàn cầu đã củng cố quan điểm thị trường về việc nguồn cung thắt chặt trong tương lai.
Ông cho biết, thêm thông tin thành viên OPEC là Libya đóng cửa 4 kho cảng xuất khẩu dầu phía đông do bão cũng hỗ trợ giá dầu.
Tuy nhiên, mức tăng của dầu có thể bị hạn chế vì sức ép giảm giá từ những lo ngại kéo dài về nhu cầu yếu hơn ở Trung Quốc.
OPEC vẫn giữ nguyên dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023 và 2024, viện dẫn các dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế lớn đang hoạt động tốt hơn dự kiến bất chấp những trở ngại như lãi suất cao và lạm phát tăng cao.
Tuần trước, Saudi Arabia và Nga đã gia hạn cắt giảm nguồn cung tự nguyện tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay.
Tờ Izvestia ngày 13/9 trích dẫn một cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng Năng lượng Nikolai Shulginov cho biết, sản lượng dầu của Nga được cho là giảm 1,5% xuống còn 527 triệu tấn (10,54 triệu thùng mỗi ngày) trong năm nay.
Trong khi đó, EIA cho hay dự trữ dầu toàn cầu dự kiến sẽ giảm gần 500.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm 2023, khiến giá dầu tăng, trong đó giá dầu Brent dự kiến giao dịch trung bình ở mức 93 USD/thùng trong quý IV/2023.
Thị trường cũng chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ trong ngày 13/9 theo giờ địa phương, với chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi dự kiến sẽ tăng ở mức 4,3% trong tháng 8/2023 so với mức tăng 4,7% trong tháng 7/2023. Các nhà đầu tư sẽ tập trung vào việc liệu chỉ số lạm phát cơ bản dịu xuống có đủ để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất trong năm tới hay không.