Vào lúc 13 giờ 50 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 1,63 USD (1,6%) lên 104,40/thùng sau khi có thời điểm tăng tới 3,08 USD (2,9%) lên 105,85 USD/thùng. Trong phiên 5/7, giá mặt hàng này đã giảm 9,5%, mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ tháng Ba.
Trong khi đó, giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) tăng 1,2 USD (1,2%) lên 100,70 USD/thùng, sau khi có lúc tăng 2,64 USD (2,7%) lên 102,14 USD/thùng. Trong phiên trước, giá mặt hàng này đóng cửa dưới 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ cuối tháng Tư.
Đồng USD đã lên mức đỉnh của 20 năm so với đồng euro và mức cao nhất trong nhiều tháng so với các đồng tiền khác khi giá khí đốt cao hơn và bất ổn chính trị làm gia tăng mối lo ngại về suy thoái kinh tế.
Chuyên gia John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC, nhận định vấn đề nguồn cung thắt chặt vẫn tác động đến thị trường. Theo chuyên gia này, tình trạng bán tháo đã diễn ra quá mức.
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo rằng đề xuất của Nhật Bản nhằm giới hạn giá dầu của Nga chỉ một nửa mức hiện tại sẽ dẫn đến lượng dầu trên thị trường giảm đáng kể và đẩy giá mặt hàng này lên trên 300-400 USD/thùng.
Một vấn đề khác là cuộc đình công trong lĩnh vực dầu khí tại Na Uy đã cắt giảm sản lượng dầu và khí đốt. Ngày 2/7, cuộc đình công tại Na Uy đã làm giảm xuất khẩu khí đốt hàng ngày 1.117.000 thùng dầu (56% xuất khẩu khí đốt hàng ngày).
Ngoài ra, nỗi lo về một cuộc suy thoái kinh tế vẫn tiếp tục đè nặng lên các thị trường. Theo ước tính ban đầu, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể thu hẹp trong II/2022, theo đó ghi dấu quý thứ hai liên tiếp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm, đồng nghĩa rằng kinh tế Mỹ suy thoái về mặt kỹ thuật.