Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) tăng 1,27 USD (1,3%), lên 98,53 USD/thùng, sau khi tăng 2,28 USD trong phiên trước đó. Trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 9/2022 tăng 1,13 USD (1,1%), lên 107,75 USD/thùng.
Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets cho biết: “Tâm lý đầu tư rủi ro đã phục hồi sau những lo ngại về suy thoái kinh tế nhờ diễn biến khả quan của mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ và lời lẽ kém “hùng hồn” hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc tăng lãi suất, qua đó hỗ trợ đà tăng của thị trường dầu thô”.
Khép lại cuộc họp chính sách ngày 27/7, Fed đã công bố một đợt tăng lãi suất tiếp theo, đẩy mạnh nỗ lực kéo lạm phát xuống từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), hội đồng gồm các quan chức Fed chịu trách nhiệm về chính sách tiền tệ, cho biết họ quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm lên phạm vi từ 2,25% đến 2,5%.
Đồng USD yếu hơn làm cho dầu, vốn được định giá bằng đồng tiền này, rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Về nguồn cung, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 4,5 triệu thùng trong tuần trước (kết thúc ngày 22/7), so với kỳ vọng giảm 1 triệu thùng, trong khi nhu cầu xăng của Mỹ phục hồi 8,5% trong cùng tuần.
Các nhà phân tích của ngân hàng Citi bank cho biết: “Mỹ đã củng cố vị thế là nhà xuất khẩu xăng dầu lớn nhất thế giới khi tổng xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu tinh chế của nước này đạt mức kỷ lục 10,9 triệu thùng/ngày”. Xuất khẩu dầu thô của Mỹ đạt mức kỷ lục 4,5 triệu thùng/ngày do giá dầu WTI giao dịch ở mức thấp hơn đang kể so với dầu Brent, khiến việc mua các loại dầu thô của Mỹ trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua nước ngoài.
Giá dầu cũng được hỗ trợ khi Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đặt mục tiêu áp dụng cơ chế giới hạn giá đối với xuất khẩu dầu của Nga vào ngày 5/12 tới.
Các nhà quan sát cho biết trong, tăng trưởng sản lượng dầu thô của Mỹ cũng có thể bị hạn chế trong thời gian tới bởi khả năng sẵn có các thiết bị và đội khai thác suy giảm, cũng như các hạn chế về vốn.
Nga đã cắt giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 (Nord Stream 1), đường dẫn khí đốt chính của nước này với châu Âu, xuống chỉ còn 20% công suất. Các nhà phân tích cho biết, điều đó có thể dẫn đến việc nhiều nước chuyển từ khí đốt sang dùng dầu thô và đẩy giá dầu đi lên trong ngắn hạn.
Các nhà phân tích của JP Morgan giữ nguyên dự báo về giá dầu thế giới ở mức thấp khoảng 100 USD/thùng trong nửa cuối năm 2022 và mức 90 USD/thùng vào năm 2023”.