Theo đó, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 2,06 USD (tương đương 2,34%) lên 90,13 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 1,65 USD (1,97%) và đóng cửa ở mức 85,39 USD/thùng.
Nhà phân tích Phil Flynn của công ty môi giới tài chính Price Futures cho biết giá dầu giảm vào đầu phiên nhưng đã đảo ngược đà giảm do rủi ro địa chính trị tăng cao. Cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thông báo trong một tuyên bố trên truyền hình rằng nước này đang chuẩn bị hành động quân sự trên bộ ở Gaza.
Song đà tăng đã bị hạn chế phần nào sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu thô dự trữ của nước này đã tăng 1,4 triệu thùng trong tuần gần nhất lên 421,1 triệu thùng. Con số trên vượt mức tăng 240.000 thùng mà các nhà phân tích dự đoán trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters.
Ông Bob Yawger, phụ trách mảng thị trường hợp đồng năng lượng tương lai tại ngân hàng Mizuho, cho biết số liệu từ EIA có xu hướng đẩy giá dầu đi xuống. Vì đây là một sự đảo ngược hoàn toàn từ mức giảm lớn hơn dự kiến theo báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API).
Thêm vào đó, số liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho thấy hoạt động cho vay của các ngân hàng trên toàn Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gần như bế tắc vào tháng trước càng khiến thị trường lo ngại. Đây là bằng chứng mới nhất cho thấy Eurozone có thể tiến gần đến suy thoái kinh tế.
Giới quan sát chỉ ra nhu cầu dầu thô có thể gia tăng ở Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Nước này mới đây đã phê duyệt dự luật phát hành trái phiếu chính phủ trị giá 1.000 tỷ NDT (137 tỷ USD), đồng thời cho phép chính quyền địa phương phát hành khoản nợ mới từ hạn ngạch năm 2024 để thúc đẩy nền kinh tế.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng thực hiện các biện pháp có thể hạn chế nhu cầu dầu thô, chẳng hạn như áp trần công suất lọc dầu ở mức 1 tỷ tấn vào năm 2025 để điều chỉnh lĩnh vực chế biến dầu và hạn chế lượng khí thải carbon của nước này.