Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 8,8 USD, hay 14,6% lên 69,02 USD/thùng, mức tăng phần trăm trong một ngày lớn nhất kể từ năm 1988. Trong khi đó, giá dầu thô nhọt nhẹ Mỹ tăng 8,05 USD, hay 14,7%, lên 62,90 USD/thùng, mức tăng phần trăm trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 12/2008.
Bên cạnh đó, bà Rebecca Mitchell, người phát ngôn của Intercontinental Exchange, cho biết khối lượng giao dịch cũng tăng mạnh, trong đó lượng dầu Brent được giao dịch trong các hợp đồng kỳ hạn vượt mức 2 triệu lot (1 lot = 1.000 thùng), khối lượng giao dịch trong ngày lớn chưa từng thấy.
Saudi Arabia là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Vụ tấn công vào các cơ sở lọc dầu của tập đoàn dầu quốc doanh Saudi Aramco tại Abqaiq và Khurais đã khiến sản lượng của nước này giảm 5,7 triệu thùng/ngày. Cùng với đó, thị trường giờ đây cũng hoài nghi về khả năng duy trì hoạt đông xuất khẩu dầu của Saudi Arabia.
Saudi Aramco vẫn chưa đưa ra một lịch trình cụ thể cho việc phục hồi sản lượng hoàn toàn. Hai nguồn tin thân cận với hoạt động của Aramco cho biết để quay lại mức sản lượng bình thường, “ông lớn” này sẽ phải mất vài tháng.
Ngay sau vụ tấn công nói trên, giá dầu đã tăng vọt khoảng 20% sau khi mở cửa phiên sáng 15/9, trong đó giá dầu Brent ghi nhận mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng vùng Vịnh năm 1990-1991. Sau đó, giá dầu đã giảm xuống phần nào khi nhiều nước cho biết sẽ dùng kho dự trữ chiến lược để đảm bảo nguồn cung dầu cho thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cho biết nước này đã "sẵn sàng hành động" để đáp trả các vụ tấn công nói trên. Nguy cơ trả đũa và sự leo thang căng thẳng tại Trung Đông có thể sẽ khiến giá dầu tiếp tục gia tăng, bất chấp sự cứu viện từ nguồn dầu dự trữ trên toàn cầu.