Chốt phiên này, giá dầu Brent đóng cửa tăng 75 xu Mỹ (1,9%) lên 41,21 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,01 xu Mỹ (2,6%) lên 39,57 USD/thùng. Trong phiên trước đó, giá cả hai loại dầu này đều giảm hơn 3%.
Các công ty như BP, Chevron, Shell và Equinor ASA đã sơ tán các giàn khoan hoặc đóng cửa các cơ sở sản xuất. Cho đến nay, các nhà sản xuất đã tạm dừng 16% hoạt động sản xuất, tương đương 294.000 thùng/ngày do bão Zeta.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đà tăng của giá dầu do ảnh hưởng của bão có thể chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, với nhu cầu dự kiến sẽ suy yếu một lần nữa trước sự gia tăng các ca mắc COVID-19 mới
Chuyên gia Bob Yawger, tại Mizuho nhận định có nhiều yếu tố gây bất lợi đối với thị trường khi vẫn chưa có vắc-xin ngừa COVID-19, triển vọng về một gói kích thích kinh tế ảm đạm cũng như diễn biến trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, sẽ diễn ra vào đầu tháng 11/2020.
Trong khi đó, sản lượng dầu của Libya dự kiến phục hồi lên 1 triệu thùng/ngày trong những tuần tới, gây trở ngại cho nỗ lực hạn chế sản lượng của các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC +.
OPEC+ dự kiến tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày vào tháng 1/2021 sau khi nhất trí cắt giảm sản lượng "vàng đen" kỷ lục hồi đầu năm. Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông có thể tán thành đề xuất gia hạn chương trình cắt giảm sản lượng dầu mỏ của OPEC+.
Jim Ritterbusch, Chủ tịch của Ritterbusch and Associates cho rằng khi các ca lây nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng, OPEC+ có thể sẽ điều chỉnh giảm mức gia tăng sản lượng để giúp tạo ra sự cân bằng cho thị trường dầu.