Vào ngày giao dịch cuối cùng của năm 2020, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 17 xu lên 51,80 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 12 xu lên 48,52 USD/thùng.
Giá dầu Brent đã giảm 21,5% trong năm 2020, trong khi dầu WTI giảm 20,5%.
Tuy nhiên, giá dầu Brent và dầu WTI vẫn tăng hơn gấp đôi so với mức đáy ghi nhận hồi tháng 4/2020, khi các nhà sản xuất phải cắt giảm sản lượng để phù hợp với tình hình nhu cầu yếu đi và sau cuộc chiến về giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga. Thời điểm đó, giá dầu WTI đã có phiên giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục là - 40,32 USD/thùng, trong khi dầu Brent giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999 là 15,98 USD/thùng.
Ông John Kilduff, một đối tác của công ty tư vấn tài chính Again Capital Management, cho biết nửa đầu năm 2020 rất đáng chú ý đối với thị trường năng lượng khi xuất hiện những diễn biến chưa từng có, bao gồm một mức giảm sâu đột ngột rồi tiếp theo là một đợt phục hồi nhanh chóng. Nửa năm sau đó, thị trường có rất ít đột biến cho tới hết tháng 10. “Vàng đen” lại đi lên khá mạnh mẽ trong hai tháng cuối cùng của năm 2020, khi tin tức về vắc-xin ngừa COVID-19 giúp giá dầu kỳ hạn phục hồi lên mức cao nhất trong khoảng 10 tháng.
Dù vậy, việc nhiều nước phải đóng cửa thêm một lần nữa để chống dịch COVID-19 đã đè nặng lên nhu cầu nhiên liệu. Ngoài ra, sự xuất hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao hơn cũng khiến thị trường lo ngại.
Trong cuộc thăm dò hàng tháng mới đây, hãng tin Reuters nói rằng đa số chuyên gia nhận định giá dầu sẽ không có nhiều diễn biến đi lên trong năm 2021, khi triển vọng về nhu cầu nhiên liệu vẫn còn chưa rõ ràng.
Một yếu tố sắp tới có thể tác động mạnh lên giá dầu là cuộc họp tuần tới của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối, bao gồm Nga (còn gọi là nhóm OPEC+). Tại cuộc họp dự kiến vào ngày 4/1, OPEC + có kế hoạch tranh luận về việc nâng sản lượng dầu thô từ tháng Hai.