Tuần trước, cả giá dầu Brent và WTI đều tăng lần lượt khoảng 1,5% và 3%, giữa bối cảnh cuộc xung đột ở Trung Đông có nguy cơ lan rộng. Đà tăng kéo dài sang phiên đầu tuần này (19/2), song dự báo nhu cầu chậm lại của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cản trở đà tăng của giá dầu. Bên cạnh đó, số liệu cho thấy giá sản xuất tại Mỹ tăng cao hơn dự kiến trong tháng 1/2024 làm gia tăng mối lo ngại về lạm phát và nâng giá đồng USD.
Giá quay đầu giảm vào phiên giao dịch liền sau đó, trước khi phục hồi trở lại trong hai phiên giao dịch liên tiếp 21 - 22/2.
Đến phiên 23/2, giá dầu Brent giảm 2,05 USD, tương đương 2,5%, đứng ở mức 81,62 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao kỳ hạn giảm 2,12 USD, tương đương 2,7%, xuống 76,49 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 2% và dầu WTI giảm hơn 3%. Tuy nhiên, những chỉ dấu cho thấy nhu cầu mạnh, đi cùng mối quan ngại về nguồn cung có thể phục hồi giá dầu trong những ngày tới.
Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Christopher Waller, cho biết các nhà hoạch định chính sách Fed có thể trì hoãn hạ lãi suất ít nhất vài tháng nữa, điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và hạn chế nhu cầu dầu.
Fed đã giữ lãi suất ổn định trong biên độ 5,25% - 5,5% kể từ tháng 7/2023. Biên bản cuộc họp gần nhất của Fed cho thấy phần lớn các thành viên điều hành của ngân hàng này đều lo lắng về việc nới lỏng chính sách quá nhanh.
Ông Tim Snyder, chuyên gia kinh tế tại Matador Economics, cho biết thị trường năng lượng đang phản ứng, bởi vì nếu lạm phát bắt đầu quay trở lại, nó sẽ làm chậm nhu cầu đối với các sản phẩm năng lượng.
Các chuyên gia phân tích của JPMorgan cho biết các chỉ báo nhu cầu đang cho thấy nhu cầu dầu toàn cầu tăng 1,7 triệu thùng/ngày trong tuần tính đến ngày 21/2, cao hơn mức quan sát thấy trong tuần trước đó là tăng 1,6 triệu thùng/ngày.
Cùng ngày, dữ liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho thấy số giàn khoan dầu tại Mỹ trong tuần này tăng 6 giàn lên 503 giàn, và tăng 4 giàn trong tháng này.