Phiên 23/6, trong ngày giảm thứ hai liên tiếp, giá dầu Brent Biển Bắc đóng cửa giảm 29 xu (0,4%) xuống 73,85 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 35 xu (0,5%), đứng ở mức 69,16 USD/thùng.
Trước đó, tại phiên 22/6, giá dầu Brent đã giảm 3 USD/thùng sau khi Ngân hàng trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, mức tăng lớn hơn dự kiến của thị trường. Các ngân hàng trung ương ở Na Uy và Thụy Sỹ cũng tăng lãi suất.
Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đã giảm hơn 3,5% trong tuần qua.
Khả năng Mỹ tiếp tục tăng lãi suất dường như cũng dễ xảy ra hơn. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh San Francisco Mary Daly nhận định, có thêm hai lần tăng lãi suất nữa trong năm nay là một dự đoán "rất hợp lý".
Ông Dennis Kissler, Phó Chủ tịch phụ trách giao dịch của BOK Financial, cho biết dường như có một loại giao dịch “phòng ngừa rủi ro” ngày càng tăng đối với dầu thô, do động thái tăng lãi suất ở châu Âu và các biện pháp kích thích từ Trung Quốc không được như kỳ vọng của thị trường.
Ông Kissler cho biết thêm việc BoE tăng lãi suất đã kích hoạt tâm lý phòng ngừa rủi ro của các nhà sản xuất năng lượng.
Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí vay đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng, điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu.
Tâm lý lo ngại rủi ro của các nhà đầu tư cũng làm tăng giá trị của đồng USD, điều này gây áp lực lên giá dầu vì khiến hàng hóa này trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác.
Dữ liệu khảo sát cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ cũng giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng vào tháng 6/2023 do tăng trưởng dịch vụ lần đầu tiên giảm trong năm nay và đà sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất ngày càng sâu.
Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã chững lại, với dữ liệu về thị trường bất động sản, sản xuất và tiêu dùng thấp hơn dự kiến trong vài tháng liên tiếp.
Các mối quan ngại về khả năng suy thoái kinh tế và nhu cầu dầu sụt giảm, đã “lấn át” các dấu hiệu cho thấy nguồn cung thắt chặt lại.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cho biết các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần này đã cắt giảm số lượng giàn khoan trong tuần thứ tám liên tiếp. Số lượng giàn khoan dầu của Mỹ, một chỉ báo về sản lượng trong tương lai, đã giảm 6 giàn xuống 546 giàn khoan trong tuần này, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022.
Báo cáo về lượng dầu dự trữ của Mỹ trong tuần này bất ngờ giảm 3,8 triệu thùng. Một yếu tố nữa làm nguồn cung thắt chặt đó là việc Saudi Arabia có kế hoạch cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 7/2023.
Trước những đồn đoán về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ yếu ở Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, và mức độ cắt giảm lãi suất cho vay của Trung Quốc không được như kỳ vọng của thị trường, cùng với những nghi ngại về đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc đà khiến giá dầu thế giới ghi nhận đà giảm trong cả hai phiên 19-20/6.
Một số ngân hàng lớn đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 của kinh tế Trung Quốc sau khi số liệu trong tháng Năm được công bố vào tuần trước cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau đại dịch COVID-19 đang chững lại.