Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 5,91 USD (5,22%) xuống 107,25 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 5,65 USD/thùng (5,22%) xuống 102,56 USD/thùng.
Giá dầu đi xuống bất chấp Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ hạ sản lượng trong bối cảnh sản lượng của Nga bắt đầu giảm do các lệnh trừng phạt từ phương Tây. OPEC+ đã sản xuất dưới mức mục tiêu 1,45 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 3/2022, còn Nga sản xuất ít hơn 300.000 thùng/ngày so với mục tiêu, ở mức 10,018 triệu thùng/ngày.
IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu khoảng gần 1 điểm phần trăm do căng thẳng Nga-Ukraine, và cho biết lạm phát hiện là “mối đe dọa hiện hữu và rõ ràng” với nhiều nước.
Triển vọng u ám này đã làm gia tăng sức ép lên giá dầu, vốn đang chịu tác động từ đồng USD ở mức cao nhất trong hai năm. Đồng bạc xanh mạnh hơn làm cho hàng hóa được định giá bằng USD đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, điều này có thể làm giảm nhu cầu.
Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Charles Evans ngày 19/4 cho biết Fed có thể nâng phạm vi mục tiêu chính sách của mình lên 2,25-2,5% vào cuối năm, nhưng nếu lạm phát vẫn ở mức cao, nhiều khả năng sẽ cần phải tăng lãi suất hơn nữa.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis James Bullard nói rằng lạm phát của Mỹ là "quá cao" và nhấn mạnh cần phải tăng lãi suất lên 3,5% vào cuối năm để làm giảm mức lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm này.
Phil Flynn, nhà phân tích của Price Futures Group, cho biết việc IMF hạ dự báo tăng trưởng, cùng với thông tin các kho dự trữ dầu khẩn cấp của Mỹ giảm 4,7 triệu thùng trong ngày 18/4, đang "gây ra một số lo lắng".
Mối lo ngại về tăng trưởng nhu cầu đã được chú ý sau khi cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters hôm 18/4 cho thấy các kho dự trữ dầu của Mỹ có khả năng đã tăng vào tuần trước.
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại trong tháng 3/2022, làm xấu đi triển vọng vốn đã bị suy yếu bởi các biện pháp hạn chế COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, nhu cầu nhiên liệu ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, có thể bắt đầu tăng khi các nhà máy sản xuất tại Thượng Hải chuẩn bị mở cửa trở lại.
Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson trong cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo phương Tây ngày 19/4 nhấn mạnh cần phải gia tăng sức ép đối với Nga bằng các biện pháp trừng phạt và cô lập ngoại giao.
Khả năng Liên minh châu Âu cấm vận dầu của Nga tiếp tục làm cho thị trường ở trong tình trạng bấp bênh. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ngày 19/4 cho biết lệnh cấm vận ở cấp độ EU đang được xem xét.