Phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 2,52 USD (hoặc 3,3%) xuống 72,89 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng lùi 2,69 USD (tương đương 3,6%) và khép phiên thấp hơn ở mức 71,26 USD/thùng.
Yếu tố chính tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong phiên này là các số liệu kinh tế không mấy lạc quan của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ và Trung Quốc.
Một cuộc khảo sát tư nhân cho thấy tăng trưởng hoạt động của nhà máy tại Trung Quốc đã giảm mạnh vào tháng 7/2021, khi nhu cầu suy giảm lần đầu tiên sau hơn một năm. Kết quả của báo cáo tư nhân này tương tự với những gì một báo cáo chính thức trước đó của Chính phủ Trung Quốc đưa ra.
Các hoạt động chế tạo của Mỹ cũng cho thấy những dấu hiệu giảm tốc. Tốc độ tăng trưởng đã chậm lại trong tháng thứ hai liên tiếp khi chi tiêu cho các dịch vụ tăng lên, trái ngược với chi tiêu giảm cho hàng hóa và tình trạng thiếu nguyên liệu vẫn kéo dài.
Chuyên gia Edward Moya, nhà phân tích cao cấp tại công ty môi giới đầu tư Oanda (Mỹ) cho hay Trung Quốc đang dẫn đầu đà phục hồi kinh tế ở châu Á. Nếu sự suy giảm kéo dài và sâu sắc hơn, thị trường sẽ ngày một lo ngại rằng triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm đáng kể.
Trong khi đó, ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch của công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates LLC ở bang Illinois, Mỹ cho hay diễn biến giá của các hợp đồng năng lượng tương lai vẫn cho thấy những lo ngại về khả năng tiêu thụ năng lượng chậm chạp. Nhất là trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới đã trở lại ở một số vùng của nước Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác.
Một yếu tố khác cũng tạo sức ép lên giá dầu trong phiên này là kết quả cuộc khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) cho thấy sản lượng dầu từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tháng 7/2021 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Diễn biến này đã làm dấy lên lo ngại về khả năng nguồn cung vượt quá nhu cầu trên thị trường năng lượng thế giới.