Giá dầu Brent giảm 43 xu Mỹ, hay 0,5%, xuống 84,03 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 48 xu Mỹ, xuống 79,64 USD/thùng.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, được xem là đóng vai trò quyết định đối với việc thúc đẩy nhu cầu dầu từ nay đến cuối năm. Hoạt động kinh tế của nước này yếu đã khiến các thị trường lo ngại, khi các biện pháp kích thích theo cam kết đã không đạt kỳ vọng như lãi suất cho vay cơ bản không giảm mạnh như dự kiến.
Gây thêm nhưng lo ngại về nhu cầu là việc các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không loại trừ khả năng tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Các nguồn tin thị trường dẫn số liệu của Viện Xăng dầu Mỹ cho biết, nước này tiếp tục sử dụng dầu dự trữ vốn đã giảm 2,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 18/8.
Trong khi đó, các Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận về sự cần thiết phải nối lại dòng chảy dầu sau khi hoàn tất việc bảo dưỡng đường ống.
Thổ Nhĩ Kỳ đã dừng vận chuyển 450.000 thùng dầu xuất khẩu của Iraq mỗi ngày, xấp xỉ 0,5% nguồn cung toàn cầu, thông qua đường ống giữa hai nước vào tháng 3/2023.