Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 3/2024, hết hạn giao dịch ngày 31/1, giảm 1,16 USD, tương đương khoảng 1,4%, xuống 81,71 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu giao tháng 4/2024 giảm 1,89 USD (2,3%) ở mức 80,55 USD/thùng.
Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1,97 USD (2,5%) xuống còn 75,85 USD/thùng. Giá cả hai loại dầu chủ chốt này đều giảm hơn 2 USD/thùng lúc đầu phiên.
Một cuộc khảo sát nhà máy chính thức đưa ra ngày 31/1 cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã giảm tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 1/2024.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn để lấy lại động lực. Thông tin này xuất hiện vài ngày sau khi một tòa án của Hong Kong (Trung Quốc) ra lệnh thanh lý tài sản của nhà phát triển bất động sản đang ngập trong nợ Evergrande. Lĩnh vực bất động sản chiếm 25% GDP của Trung Quốc.
Các nhà dự báo lớn, trong đó có Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhận thấy nhu cầu dầu sẽ tăng vào năm 2024 chủ yếu nhờ hoạt động tiêu dùng của Trung Quốc. Tuy nhiên, Tamas Varga của công ty môi giới dầu mỏ PVM cho biết tính đến thời điểm hiện tại, số liệu mới nhất từ Trung Quốc có thể gây trở ngại cho tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.
Giá dầu cũng chịu sức ép sau khi dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu dự trữ tại các kho của Mỹ đã tăng 1,2 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược với kỳ vọng giảm 217.000 thùng của các nhà phân tích.
Sản lượng dầu trong nước của Mỹ đã tăng trở lại lên 13 triệu thùng/ngày vào tuần trước sau khi thời tiết lạnh hồi đầu tháng này làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
Trong khi đó, theo EIA, lượng dầu thô được sử dụng trong các nhà máy lọc dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2023 do vấn đề thời tiết, khiến tỷ lệ sử dụng nhà máy lọc dầu giảm xuống 82,9%. Giám đốc năng lượng tương lai Bob Yawger tại ngân hàng Mizuho cho biết các nhà máy lọc dầu sẽ không vội vàng đưa công suất quay trở lại mức trên 90%.
Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp trong tuần này. Dự đoán của các nhà kinh tế cho rằng việc cắt giảm lãi suất khó có thể xảy ra trước tháng 6/2024, do chi tiêu hộ gia đình ở Mỹ tiếp tục mạnh và sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế Mỹ.
Về nguồn cung, một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters (Anh) cho thấy sản lượng dầu của OPEC trong tháng 1/2024 đã ghi nhận mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 7/2023, do một số thành viên thực hiện việc cắt giảm sản lượng tự nguyện và tình trạng bất ổn đã hạn chế sản lượng của Libya.
Cuộc khảo sát cho thấy sản lượng dầu của OPEC đã đạt 26,33 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2024, giảm 410.000 thùng/ngày so với tháng 12/2023. Con số trên không tính sản lượng của Angola, nước đã rời khỏi nhóm này từ tháng 1/2024.