Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 1,7%, còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giảm khoảng 0,2%.
Sau khi đi lên trong phiên 21/1, giá dầu quay đầu giảm khoảng 2% trong phiên 22/1 do những lo ngại về tình hình kinh tế thế giới không quá lạc quan có thể tác động tới nhu cầu nhiên liệu.
Việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 cùng những dấu hiệu suy giảm từ kinh tế Trung Quốc đã “đè nặng” lên giá dầu thô, trong khi các thương nhân lo lắng về việc nguồn cung tăng mạnh trong năm nay bất chấp giá dầu thấp hơn.
Giám đốc nghiên cứu thị trường Gene McGillian thuộc công ty tư vấn đầu tư Tradition Energy cho biết những diễn biến trên đã khơi gợi lại mối quan tâm về triển vọng nhu cầu năng lượng giữa thời điểm nguồn cung đang dư dôi.
Tại Mỹ, nơi các mỏ khai thác dầu đá phiến đã bùng nổ số lượng và hoạt động trong năm qua, số liệu chính thức mới nhất cho thấy sản lượng dầu thô của quốc gia này đạt mức kỷ lục 11,9 triệu thùng/ngày.
Sang phiên giao dịch ngày 23/1, giá dầu thế giới tiếp tục giảm do thị trường lo ngại nhu cầu nhiên liệu giảm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm sâu hơn nữa. Tới phiên giao dịch 24/1, giá dầu biến động trái chiều, khi các nhà giao dịch chú ý tới khả năng Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt lên lĩnh vực dầu mỏ của Venezuela và dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước đó tăng mạnh.
Các nhà giao dịch đang theo dõi sát sao việc Mỹ đe dọa trừng phạt Venezuela, động thái có thể khiến thị trường dầu mỏ thắt chặt hơn. Tuy nhiên, động lực đi lên của thị trường bị hạn chế trước báo cáo ngày 24/1 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của nước này tăng 8 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 18/1. Ở mức 445 triệu thùng, dự trữ dầu thô của Mỹ vượt 9% so với mức trung bình 5 năm cho thời điểm này của năm.
Trong phiên cuối tuần (25/1), giá dầu tăng cao hơn, trước diễn biến chính trị tại Venezuela. Tuy nhiên, mối lo về sự gia tăng dự trữ nhiên liệu của Mỹ và triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn gây áp lực lên giới đầu tư. Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 55 xu Mỹ (0,9%) lên 61,64 USD/thùng; còn giá dầu WTI tăng 56 xu Mỹ (1,05%) lên 53.69 USD/thùng.
Mới đây, IMF cảnh báo đối đầu thương mại Mỹ - Trung, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) còn gọi là Brexit, cùng những bất ổn khác đang có nguy cơ khiến tăng trưởng toàn cầu bị giảm sâu hơn nữa. IMF đã hạ mức tăng trưởng toàn cầu trong năm nay xuống 3,5% từ mức 3,7% đưa ra hồi tháng 10/2018. Thể chế tài chính này dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 là 3,6%.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng thị trường dầu mỏ hiện nay vẫn đang trong tình trạng dư cung, nhờ sự gia tăng sản lượng tại Mỹ. Theo các chuyên gia này, Mỹ có thể giúp bù đắp sự sụt giảm tạm thời sản lượng dầu thô của Venezuela. Trong một đánh giá, ngân hàng Barclays (Anh) hạ dự báo giá dầu Brent trong năm 2019 xuống 70 USD/thùng, so với mức 72 USD/thùng đưa ra trước đó.
Hiện giới đầu tư đang lo ngại về kế hoạch cắt giảm sản lượng mà Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga đang thực hiện sẽ không hiệu quả như dự kiến khi Moskva tỏ ra không mấy “nhiệt tình” với việc hạ sản lượng.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết sản lượng khai thác dầu của nước này trong tháng 1/2019 đã giảm hơn 30.000 thùng/ngày so với mức của tháng 10/2018. Trước đó, Nga đã cam kết cắt giảm 230.000 thùng dầu/ngày trong ba tháng đầu năm 2019.