Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 1,61 USD (2,1%), lên 79,46 USD/thùng. Giá dầu WTI có lúc chạm mức “đỉnh” của phiên này là 80,24 USD/thùng. Trong khi đó, tại trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tiến 1,19 USD, tương đương 1,5%, lên 81,99 USD/thùng, sau khi có thời điểm trong phiên này chạm mức cao nhất kể từ cuối tháng 11/2021.
Kazakhstan đang sản xuất 1,6 triệu thùng dầu/ngày và cho đến đây không có dấu hiệu nào cho thấy sản lượng dầu của họ bị ảnh hưởng bởi tình hình bất ổn hiện nay. Trong khi đó, theo National Oil Corp, sản lượng dầu của Libya, lại giảm từ hơn 1,3 triệu thùng/ngày xuống mức 729.000 thùng/ngày do hoạt động bảo trì đường ống và đóng cửa mỏ dầu.
Giá dầu thế giới đã liên tục tăng cho dù OPEC và các nước quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, giữ nguyên mục tiêu tăng sản lượng đã đạt được từ tháng 8/2021 và dự trữ nhiên liệu của Mỹ tăng mạnh trong tuần trước. Dữ liệu của Bộ Năng lượng Mỹ ngày 5/1 cho thấy, dự trữ xăng của Mỹ đã tăng hơn 10 triệu thùng trong tuần trước, mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 4/2020.
Ngoài ra, biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các nhà hoạch định chính sách ngân hàng này có thể nâng lãi suất nhanh hơn dự báo đã gây áp lực lên các tài sản rủi ro như dầu.
Ngân hàng JP Morgan (Mỹ) dự báo giá dầu Brent sẽ tăng từ mức trung bình 70 USD/thùng từ năm ngoái lên 88 USD/thùng trong năm 2022.
Trong khi đó, Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, đã giảm giá bán chính thức ít nhất 1 USD/thùng cho tất cả các loại dầu thô bán cho châu Á vào tháng 2/2022.