Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 2,01 USD (2,5%) lên 81,63 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,21 USD (2,9%) lên 77,74 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa cao nhất đối với cả hai loại dầu thô kể từ ngày 30/5.
Fed đã tăng mạnh lãi suất trong năm 2022 và 2023 để kiềm chế lạm phát. Tỷ lệ lãi suất cao hơn đã làm tăng chi phí đi vay đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp. Điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu về dầu.
Bên cạnh đó, đà tăng của đồng USD có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” khi khiến các mặt hàng được định giá bằng USD như dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Gelber and Associates nhận định giá dầu nhận được lực đẩy nhờ kỳ vọng vào nhu cầu gia tăng trong mùa Hè dù bối cảnh kinh tế vĩ mô kém lạc quan hơn so với các tuần trước.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs dự đoán giá dầu Brent sẽ tăng lên 86 USD/thùng trong quý III. Trong một báo cáo, ngân hàng này cho rằng nhu cầu vận tải vững chắc trong mùa Hè sẽ khiến thị trường dầu mỏ rơi vào tình trạng thâm hụt 1,3 triệu thùng/ngày trong quý III. Công ty tư vấn năng lượng FGE dự báo thị trường dầu mỏ sẽ phục hồi và giá dầu thô sẽ đạt mức trung bình 80 USD/thùng trong quý III/2024./.
Trong khi đó, đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 4 tuần so với rổ tiền tệ khác khi đồng euro giảm mạnh do tình hình chính trị thiếu chắc chắn tại châu Âu.
Tuần trước, giá dầu Brent và WTI đã ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp do lo ngại rằng kế hoạch từ bỏ chương trình cắt giảm sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, từ tháng Mười sẽ làm tăng thêm nguồn cung toàn cầu.
Hiện giới đầu tư đang chờ đợi Mỹ công bố số liệu chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Năm, để có thêm thông tin về thời điểm Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất. Thị trường cũng đang hướng sự chú ý vào cuộc họp kéo dài hai ngày của Fed từ 11-12/6 với dự kiến ngân hàng trung ương này sẽ chưa điều chỉnh lãi suất.