Ngoài ra, việc Trung Quốc chấm dứt phong tỏa phòng dịch COVID-19 ở Thượng Hải cũng có thể thúc đẩy nhu cầu trong một thị trường vốn đã thắt chặt.
Phiên này, giá dầu Brent ổn định ở mức 116,29 USD/thùng, tăng 69 xu Mỹ (tương đương 0,6%). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tiến 59 xu Mỹ (0,5%) lên 115,26 USD/ounce.
Các nhà lãnh đạo EU hôm thứ Hai đã nhất trí về nguyên tắc cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay. Đây lệnh trừng phạt cứng rắn nhất của khối kể từ khi cuộc xung đột Ukraine bắt đầu.
Các biện pháp trừng phạt sẽ được hoàn thành từng bước trong sáu tháng tới đối với dầu thô và trong tám tháng đối với các sản phẩm tinh chế. Lệnh cấm vận miễn trừ nguồn dầu đi qua đường ống từ Nga như một nhượng bộ cho Hungary và hai quốc gia Trung Âu không giáp biển khác.
Ông Bill Farren-Price, Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường năng lượng Enverus (Mỹ) cho biết, tác động của việc các lệnh trừng phạt được chính thức hóa là rất đáng kể. Vì nếu EU đạt được những gì họ dự định, Nga sẽ mất khoảng 3 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày. Không dễ dàng để chuyển hướng tất cả số dầu trên sang các thị trường khác.
Trong khi đó, hai nguồn tin Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết các thành viên của khối cùng các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) không thảo luận về ý tưởng đưa Nga ra khỏi thỏa thuận nguồn cung hiện tại. Trước đó, tờ Wall Street Journal từng đưa tin hôm 31/5 rằng một động thái như vậy đang được OPEC+ xem xét.
Dự kiến, OPEC+ sẽ nhóm họp vào thứ Năm để xác định chính sách sản lượng của mình. OPEC+ đã chịu nhiều chỉ trích vì không tăng sản lượng nhanh hơn để đối phó với giá nhiên liệu tăng. Nhưng các quốc gia trong nhóm này cho biết hầu hết các thành viên không có thêm năng lực để tăng sản lượng.
Cũng trong ngày thứ Tư, các nguồn tin cho biết một ủy ban kỹ thuật của OPEC+ đã cắt giảm dự báo dư cung thị trường dầu năm 2022 khoảng 500.000 thùng/ngày xuống 1,4 triệu thùng/ngày.