Trong phiên giao dịch sáng 11/5, giá dầu ngọt nhẹ WTI giảm 2,95% xuống còn 24,01 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent được giao dịch ở mức 30,27 USD/thùng, giảm 2,26%.
Theo các chuyên gia phân tích, các thương gia đang chốt lời trong ngày 11/5 khiến giá dầu giảm, nhất là khi các số liệu từ Ấn Độ cho thấy nhu cầu về dầu đã giảm gần một nửa trong tháng trước. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo mức giảm này sẽ không nhiều. Theo Ngân hàng ANZ, "giá dầu thô tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các thỏa thuận cắt giảm nguồn cung ngày càng nhiều, trong bối cảnh vĩ mô dần được cải thiện".
Trước đó, trong ngày 7/5, cả hai hợp đồng trên đều tăng mạnh, với WTI tăng 25% so với tuần trước sau khi các nước xuất khẩu dầu lớn đã nhất trí cắt giảm mạnh sản lượng, đồng thời xuất hiện hy vọng về khả năng lượng cầu tăng trở lại khi một số nền kinh tế chủ chốt bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế. Đây là mức tăng hằng tuần đầu tiên của WTI kể từ tháng 2.
Tháng 4 vừa qua, các thị trường dầu đã chứng kiến những mức giá thấp kỷ lục, thậm chí có lúc rơi xuống mức giá âm, khi dịch bệnh "bóp nghẹt" nhu cầu về dầu do các doanh nghiệp phải đóng cửa và hoạt động đi lại bị hạn chế. Nhưng thị trường đã tìm thấy "lực đẩy" khi một số nước châu Á và châu Âu bắt đầu nối lại các hoạt động kinh tế sau khi vượt qua đỉnh dịch. Ngoài ra, một thỏa thuận giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất nhằm giảm gần 10 triệu thùng/ngày cũng đã có hiệu lực từ ngày 1/5 vừa qua.