Tại thời điểm 15h GMT (22h00 giờ Hà Nội) cùng ngày, giá dầu WTI nhích lên mức 10,82 USD/thùng, song vẫn giảm 41% so với mức giá trong ngày 17/4.
Giới kinh doanh đánh giá, tình trạng lao dốc trên là nghiêm trọng bởi nó liên quan đến hợp đồng trong tháng Năm, vốn sẽ đáo hạn vào ngày 20/4, và các nhà đầu tư không muốn tích trữ dầu.
Ngày 12/4, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nước đối tác, còn được gọi là OPEC+, đã nhất trí cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày trong thời gian 2 tháng từ tháng 5 - 6/2020. Động thái này được đưa ra nhằm bình ổn giá “vàng đen” trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới.
Đây được coi là đợt cắt giảm sản lượng lớn nhất từ trước đến nay và các nước OPEC+ cũng sẽ tiếp tục từng bước cắt giảm sản lượng trong vòng 2 năm, cho đến tháng 4/2022. Tuy nhiên, trên thực tế, động thái của OPEC+ đến nay vẫn chưa vực dậy được đà giảm của giá dầu trước sự sụt giảm mạnh về nhu cầu sử dụng năng lượng do đại dịch nguy hiểm này.